“Ngấm đòn” ế ẩm

Sau thời gian dài trì trệ, tự mãn theo câu người ta hay nói về đường sắt Việt Nam: “ĐSVN là đừng sờ vào nó”, người trong ngành đường sắt tự cho mình quyền “ban phát chứ không phải phục vụ hành khách”.

Khi các phương tiện giao thông khác phát triển, đường sắt trì trệ và tụt hậu, bị hành khách bỏ rơi thì đường sắt giật mình tỉnh giấc.

ds4_nmiy.jpg
ĐSVN đang thay đổi để tự "cứu mình. Mới đây, ĐSVN đã đưa đoàn tàu đạt tiêu chuẩn 5 sao vào chạy phục vụ khách. Trên các toa xe ghế ngồi được trang bị hệ thống 8 ti vi hiện đại để phục vụ nhu cầu giải trí của hành khách.

Bị bỏ lại quá xa, đường sắt đang nỗ lực chạy đuổi theo các "đối thủ", giành lại “thượng đế”. Tuy nhiên, câu chuyện cần phải có thời gian để xem xét, nhưng cũng có thể thấy “thái độ” của ngành đường sắt đã biết mình và có thay đổi.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh,  thì “đường sắt đang gia tăng chất lượng dịch vụ bằng với giá vé và chấp nhận “nghiến răng” lỗ để hút “thượng đế” quay trở lại lựa chọn tàu hỏa làm phương thức đi lại”.

Đầu tiên là thay đổi cách bán vé tàu. Ông Minh cho biết, ngành đường sắt sẽ tổ chức bán vé tàu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 bắt đầu từ ngày 1/10 tới đây. Hiện tại, tỷ lệ khách đến ga mua vé ít, không còn chuyện tắc nghẽn ở các ga nhờ việc bán vé qua mạng, giảm cò vé.

“Ngoài việc bán vé đến các ga, ngành đường sắt tổ chức đưa, đón khách đi, đến các điểm du lịch bằng cách bán thêm vé ô tô để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm”, ông Minh nói.

Giường, đệm sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn "sao".

Thừa nhận những giải pháp đặt ra trong 2017, nhưng mới phát huy được trong năm 2018, ông Minh cho rằng, VNR không đặt mục tiêu tăng trưởng hành khách vì lúc trước đoàn tàu chở 600 khách nhưng giờ chỉ 500 khách do thay đổi kết cấu đóng đoàn tàu, toa xe.

“Đường sắt sẽ cung cấp những gì hành khách cần chứ không phải cung cấp những thứ hiện có. Đường sắt không phải là phương tiện chở khách đi du lịch mà là hãy đi du lịch bằng hành trình của đường sắt. Khách du lịch bắt đầu từ việc lên tàu chứ không phải tàu chỉ là phương tiện đưa khách đến điểm đến bằng cách tăng cường kết nối các phương thức vận tải, mở rộng dải giá vé, đổi mới màu sơn đoàn tàu, đóng một số toa đẹp, xây dựng phòng chờ hạng sang tại ga, chọn giờ tàu đẹp các tuyến du lịch…,” ông Minh đưa ra thông điệp.

Đặc biệt, năm nay, đường sắt sẽ có sự thay đổi tốt hơn khi đồng bộ thay đổi cả về hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết kế đoàn tàu, nhà ga, dịch vụ chất lượng vận tải...để có sự nhìn nhận thay đổi từ phía hành khách.

Thái độ phục vụ của nhân viên chu đáo hơn, tiệm cận tiêu chuẩn phục vụ hàng không.

“Thường thì phải có hành khách mới đầu tư, nhưng hiện đường sắt đang đầu tư trước để thu hút khách trở lại. Đường sắt phải làm tốt chất lượng dịch vụ và chắc chắn khẳng định hành khách sẽ quay lại không phải ngày hôm nay hay tháng sau mà cả một lộ trình khi vừa qua có phương tiện mới, thay đổi dịch vụ lâu dài...”, ông Minh cho biết.

Nhấn mạnh trong hoạt động kinh doanh, chấp nhận phục vụ ít nhưng chất lượng tốt còn hơn là “nhồi nhét” khách, ông Minh tin tưởng, đường sắt đang lấy lại hình ảnh nhằm kéo khách quay trở lại bằng cách đưa ra chiến lược, mục tiêu từng giai đoạn trước mắt là tăng sản lượng, sau đó mới đến doanh thu, lợi nhuận.

Hành khách thư thái đi tàu, sống chậm.

“VNR chấp nhận lỗ bằng cách gia tăng chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé chứ không giảm giá vé tương xứng với tiết giảm chất lượng dịch vụ để thu hút ‘thượng đế’ trở về, từ đó mới có lãi để bù lỗ trước đây. Không phải hành khách đến với đường sắt vì giá vé thấp mà là tìm đến vận tải là an toàn, tiện lợi, các ga đặt tại trung tâm thành phố. Những cự ly ngắn trong khoảng 4-7 tiếng cạnh tranh rất tốt với các loại hình vận tải khác” vị Chủ tịch VNR tin tưởng.

Kỳ vọng “lột xác” thành công

Ông Vũ Anh Minh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý bố trí 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án cấp bách của đường sắt. Với gói kinh phí này, ngành đường sắt sẽ kỳ vọng tạo ra thay đổi để làm lợi thế so sánh cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.

Đường sắt không phải là phương tiện chở khách đi du lịch mà là hãy đi du lịch bằng hành trình của đường sắt để cảm nhận vẻ đẹp của đất nước Việt Nam.

Trong đó, tập thực hiện các công trình thiết yếu như đảm bảo an toàn chạy tàu; đồng nhất tải trọng toàn tuyến và nâng tốc độ chạy tàu, giảm xốc lắc khi tàu chạy, nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Đường sắt không đặt mục tiêu tăng tốc độ chạy tàu nhưng tốc độ chạy tàu có thể được cải thiện ở một số khu đoạn do kết cấu hạ tầng đường sắt (ray, hầm, cầu yếu, đường ke ga mở rộng và kéo dài giúp tránh tàu, tăng năng lực thông qua) được cải thiện hơn so với trước”, ông Minh nói.

Đại diện VNR cho biết, khó khăn nhất hiện nay là phải thực hiện trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác. Nếu thuận lợi, giữa năm 2021 cơ bản có thể hoàn thành các tiểu dự án này./.

4 dự án cấp thiết trên tuyến đường sắt Bắc - Nam

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất 4 dự án chi tiết gồm dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng; đoạn Nha Trang-Sài Gòn tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp các hầm yếu và các công trình thiết yếu đoạn Vinh-Nha Trang tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Cụ thể, VNR sẽ cải tạo, nâng cấp 111 cầu yếu nhằm mục tiêu đồng nhất tải trọng, tăng năng lực chuyên chở thông qua, tận dụng năng lực sức kéo dư thừa, đảm bảo tăng doanh thu cho ngành, hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

VNR cũng dự kiến thực hiện cải tạo nền đường, thay thế tà vẹt, ray, ghi, đường cong bán kính nhỏ hơn 300m của 400km/tổng số 1.726km để đảm bảo an toàn và nâng tốc độ chạy tàu.

Bên cạnh đó, VNR cũng tính toán phải xây dựng 42km hàng rào, đường gom để đóng các lối đi dân sinh đảm bảo an toàn giao thông; cải tạo mái che ke ga tại 13 ga có lưu lượng hành khách đi tàu lớn.