Tại Hà Nội, những quán cà phê xinh xắn mọc ngay trên đường ray tàu lửa đoạn đường từ Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng thu hút đông đảo lượng khách du lịch và giới trẻ đến uống nước, chụp ảnh….Sở dĩ, khách đông bởi họ thích thú với trải nghiệm ở đây.

t10_kvue.jpg
Những năm gần đây, các quán cà phê phục vụ du khách mọc lên san sát dọc tuyến đường ray xe lửa ở Hà Nội dù chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro đã được báo chí cảnh báo.

Việc ngồi sát đường ray tàu lửa cũng gặp không ít những nguy hiểm rình rập mà báo chí và các cơ quan đã cảnh báo, nhưng nhiều du khách vẫn tìm đến những quán cà phê này, đặc biệt là khách nước ngoài. Vì vậy, các quán cà phê mọc lên ngày càng nhiều.

Giải tán và xử lý nghiêm vi phạm

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị TP Hà Nội giải tán tụ điểm cà phê gần sát đường sắt, đe dọa mất an toàn; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm ATGT đường sắt trên địa bàn. Nếu để tình trạng tái lấn chiếm sẽ xử lý cán bộ địa phương quản lý.

Theo Bộ GTVT, 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự, ATGT đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến phức tạp. Trong đó, có nguyên nhân do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Các hộ dân kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt có hành vi họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt…Các vi phạm này gây nguy cơ cao xảy ra TNGT đường sắt.

Bất kể là ngày hay đêm, cà phê đường tàu luôn thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước tới đây.

Để chấn chỉnh tình trạng này, tăng cường các biện pháp phòng ngừa TNGT đường sắt, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt đến người dân.

Khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân, cần tính đến phương án đảm bảo ATGT đường sắt khi đưa vào khai thác theo quy định của pháp luật. Khi quy hoạch các khu dân cư cần lưu ý để không vi phạm đến hành lang ATGT đường sắt.

"UBND TP Hà Nội cần kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt", Bộ GTVT yêu cầu.

Mỗi khi tàu chạy qua, chủ quán lại kêu khách ôm bàn chạy dạt sang hai bên. Nhiều người chụp ảnh "check in" khi tàu sát người rất nguy hiểm.

Bộ GTVT cũng đề nghị Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý, giải tỏa dứt điểm các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt của các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt, có hành vi họp chợ, buôn bán hàng trong lòng đường sắt.

"Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt", Bộ GTVT đề nghị.

Nhiều người tiếc nuối không gian café nguy hiểm

Trong khi Bộ GTVT đề nghị Hà Nội và các đơn vị giải tán các tụ điểm chụp ảnh, cà phê trong lòng đường sắt chạy qua nội thành Hà Nội vì quá nguy hiểm thì nhiều du khách, nhiều bạn trẻ vẫn đua nhau tìm đến "check in" ở khu vực này.

Tuấn Anh, sinh viên Đại học Xây dựng (Hà Nội) và nhóm bạn ngồi cà phê đường tàu cho biết, nghe nói về cà phê ở đây đã lâu. Nhưng nay, biết những quán này sắp bị “khai tử” nên anh và nhóm bạn đến đây "check in"  làm kỷ niệm.

Và cà phê đường tàu dần phát triển thành cả một "con phố".

"Lên một buổi tối ở xóm cà phê đường tàu Hà Nội, nhâm nhi ly cà phê trứng...Tôi yêu những con tàu và nói thật, tôi khá sợ khi một chiếc tàu lướt nhanh qua mình. Nhưng dù sao đây có lẽ cũng là kỷ niệm cuối về cảm giác cà phê đường tàu này…”, anh Tuấn Anh nói.

Nhiều du khách rỉ tai nhau về cái cảm giác chậm rãi thưởng thức cà phê và chờ đợi tiếng còi tàu tại xóm cà phê đường tàu dọc con phố Khâm Thiên, Điện Biên Phủ, Trần Phú… Hoặc, có khách tìm đến đây chủ yếu để chụp ảnh, hoặc nhâm nhi một tách cà phê tại một không gian hiếm có, khó tìm.

Minh Hoa, sinh viên Đại học Văn hóa chia sẻ, học về văn hóa, cô nhận thấy Hà Nội nói chung và xóm đường tàu nói riêng rất thú vị, vì nó gợi cảm giác về những chuyến tàu. Đôi lúc, bất chợt cảm giác như từ đằng sau lưng như có một đoàn tàu sắp lao tới.

Kiểu uống cà phê như thế này tiềm ẩn các rủi ro về tai nạn giao thông, đặc biệt khi có tàu bất ngờ chạy qua.

"Tuyến đường sắt quyến rũ một cách lạ kỳ, những toà nhà cũ kỹ nằm sát cạnh nhau, thấy mọi người đang sống ngay cạnh đường ray tàu hỏa. Thú vị nhất là rất nhiều Tây “balo” tìm đến đây uống cà phê, chụp ảnh kỷ niệm. Những cảm xúc vừa sợ vừa lo vì vừa cầm điện thoại ghi hình, vừa ngoái nhìn đoàn tàu…”, Minh Hoa chia sẻ.

Còn với những khách du lịch quốc tế, Tây “balo”, tìm đến xóm đường tàu để trải nghiệm những cảm giác lạ, uống nước, uống bia ở đường tàu thuộc top "kỳ quặc nhất thế giới", để được chụp ảnh trên đường ray tàu hỏa có từ thời Pháp.

"Khi đoàn tàu sắp tới, các chủ quán hô hào và nhắc nhở chúng tôi phải đứng lên, nép sát vào tường. Sự hồi hộp, háo hức khi né tránh một chuyến tàu chạy ngang qua khu dân cư như thế này, là một phần của sự hấp dẫn và thách thức. Điều này rất đáng kinh ngạc và đáng sợ theo cùng một nghĩa. Du khách đứng quá sát với tàu", chị Stephanie, một du khách đến từ Bỉ chia sẻ.

Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu đi qua, lượng khách đến với phố đường tàu Lê Duẩn- Điện Biên Phủ- Phùng Hưng ngày càng đông. Họ rỉ tai nhau về cái cảm giác chậm rãi của cà phê và chờ đợi tiếng còi tàu. Dù ai đó có nói về tiềm năng của một sản phẩm du lịch độc đáo, nhưng thực tế, những hành động như vậy có thể tiềm ẩn các rủi ro về tai nạn giao thôn khi có tàu bất ngờ chạy qua.

“Khách ta” lẫn “khách tây” ngồi đủ các tư thế trên đường ray tàu hỏa uống cà phê, uống bia, chụp ảnh mỗi khi đoàn tàu chạy qua chỉ cách người đứng vài chục cen-ti-mét là hành động dại dột, như "thách thức tử thần", nên xóa bỏ là hợp lý. Với du lịch, một Việt Nam đẹp, thân thiện và mến khách không nhất thiết phải “điểm tô” bằng những thứ du lịch “thót tim” này./.