Tính đến chiều 31/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 113 lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn. Trong chiều nay (theo giờ Việt Nam), một nhóm công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ do Đại sứ Nguyễn Thế Cường dẫn đầu đáp xuống sân bay Istanbul để gặp gỡ với nhóm 93 lao động Việt Nam còn lại trong tổng số 206 lao động Việt Nam tại Libya được một Tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ để về nước. 

Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Cường, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ về thông tin liên quan đến công tác hỗ trợ số lao động này.

tho_nhi_ky_vqxz.jpg 

Đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tới sân bay Istanbul để gặp gỡ lao động Việt Nam

PV: Xin Đại sứ cho biết cụ thể tình hình đợt hai lao động Việt Nam từ Libya về đến Thổ Nhĩ Kỳ ra sao?

 Đại sứ Nguyễn Thế Cường: Ngay sau khi có chỉ thị của Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có lao động Việt Nam tại Libya. Hiện nay, một trong những công ty của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp đưa 113 lao động Việt Nam về an toàn theo 2 đợt. Một đợt là 100 người và một đợt là 13. 

93 người còn lại sẽ về nước các đợt kế tiếp. Theo thông báo của công ty bạn đây là đợt di chuyển công nhân với số lượng lớn và còn phụ thuộc vào các chuyến bay, do đó, việc di chuyển toàn bộ 93 người cùng lúc là tương đối khó. Do vậy, công ty bạn đang tính toán nhiều chuyến bay làm sao để đưa toàn bộ 93 người còn lại về nước an toàn.

PV: Thưa Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có những hỗ trợ cụ thể như thế nào với người Việt từ Libya về Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian vừa qua?

Đại sứ Nguyễn Thế Cường: Trên cơ sở đánh giá tình hình và để vừa hỗ trợ các công tác đồng thời phối hợp với nước bạn một cách cụ thể, chúng tôi đã thành lập một nhóm làm việc. Do tình hình chuyến bay gấp, chúng tôi chỉ lấy được chuyến bay buổi trưa và hiện chúng tôi đang ở sân bay Istanpul để tiếp cận 93 công nhân.

Chúng tôi cũng chuẩn bị những hỗ trợ tối thiểu đặc biệt về sức khỏe và sẵn sàng liên hệ để chu cấp họ, trong trường hợp nặng có thể đưa đi các bệnh viện, trường hợp nhẹ chúng tôi có thể hỗ trợ để bà con ở đây có thể yên tâm. 

Chúng tôi cũng đã có công hàm gửi cho IOM ở Ankara và Istanpul. Ngay trong ngày hôm nay và ngày mai, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với văn phòng đại diện IOM tại Istanbul để tìm thêm thông tin về các nhóm lao động khác của ta nếu có.

PV: Thời gian tới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ như thế nào với người Việt Nam ở Libya sơ tán sang Thổ Nhĩ Kỳ và về nước?

Đại sứ Nguyễn Thế Cường: Đây là một trong những nhiệm vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và tất cả các cơ quan đại diện của Việt Nam trên toàn thế giới nói chung về công tác bảo hộ công dân. Do vậy, không chỉ chúng tôi mà các cơ quan xung quanh nếu có cũng phải có trách nhiệm tương tự. 

Với những địa bàn hoặc thường xuyên hoặc có các trường hợp đột xuất chúng tôi cũng sẽ tự xây dựng cho mình những kinh nghiệm để xử lý đúng nhất và phù hợp với chỉ đạo. Chúng tôi có kinh nghiệm xử lý những trường hợp công dân rất khó khăn như ở Syria trở về. Đó được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

Chúng tôi có kinh nghiệm, có đủ người và cách tổ chức để xử lý vấn đề. Chúng tôi nhận định không chỉ có những nhóm lao động của mình qua Thổ Nhĩ Kỳ, mà tôi nghĩ còn nhiều nhóm lao động của các công ty của mình khác có nhu cầu đi qua đây thì chúng tôi cũng đã sẵn sàng và chúng tôi đã đưa đường dây nóng cho các trường hợp khẩn cấp với số điện thoại 00905346375328.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.