“Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Bộ Y tế nêu rõ, tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Để tiến đến cột mốc chuyển đổi số toàn diện đó, song song với nỗ lực số hóa toàn bộ dữ liệu y tế, ngành y tế còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm. Trong đó, giới chuyên gia nhận định, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) y tế tập trung có thể coi là “xương sống” đảm bảo thành công của tiến trình chuyển đổi số y tế.

Chuyển đổi số y tế còn thiếu tổng thể, đồng bộ

Là bệnh viện đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế ghi nhận thành công lớn trong việc chuyển đổi số đơn vị khi chuyển hoàn toàn bệnh án giấy sang bệnh án điện tử, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng vẫn rất lo lắng về việc cơ sở dữ liệu của mình sẽ lưu vào đâu.

“Theo quy định của Bộ Y tế, bệnh án thông thường phải lưu 10 năm, bệnh án có liên quan tử vong phải lưu 15 năm, bệnh án có liên quan đến tai nạn gây thương tích phải lưu đến 20 năm… Với việc lưu những dữ liệu lớn đó trong một thời gian rất dài là việc phải lo lắng vì cơ sở dữ liệu phải lưu vào đâu để có thể đủ lưu giữ và đảm bảo an toàn thông tin”, PGS-TS Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng đặt vấn đề.

“Việc chuyển đổi số y tế hiện nay mới ở mức cục bộ tại một đơn vị, thiếu tổng thể. Ví như bệnh nhân đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng có thể cảm nhận được chuyển đổi số từ việc đăng ký khám, khám chữa bệnh cũng như chỉ định cận lâm sàng, quay trở lại bác sĩ kết luận và xuống đến nhà thuốc của bệnh viện; Khi về đến nhà bệnh nhân có thể xem thông tin từ nội dung đến hình ảnh bệnh án của mình trên thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính… Thế nhưng sang đến bệnh viện khác là không có hoặc nếu bệnh nhân mua thuốc ở nhà thuốc ngoài bệnh viện là dữ liệu bị đứt đoạn”, PGS Hồi nêu thực tế.

Một khó khăn nữa trong việc thực hiện chuyển đổi số ở đơn vị cơ sở là việc kết nối các thiết bị y tế vào chung một hệ thống đồng bộ là không dễ dàng. Với một bệnh viện mới thành lập hay bệnh viện tư nhân được trang bị toàn bộ thiết bị mới, việc kết nối để tạo thành hệ thống quản lý, kiểm soát đồng bộ đã không dễ dàng; thì các bệnh viện công lập với vô vàn các thiết bị cũ, mới các thời kỳ, giai đoạn khác nhau vẫn còn giá trị sử dụng, để kết nối đồng bộ số hóa là điều nan giải.

“Cụ thể, với bệnh viện chúng tôi để kết nối một máy đo huyết áp vào hệ thống quản trị số hóa đã mất 6 tháng dù bệnh viện mới, máy cũng rất mới và sự nỗ lực từ cả bệnh viện, đơn vị cung ứng lẫn đơn vị cung cấp phần mềm. Thiết bị mới còn mất thời gian dài như vậy. Thiết bị cũ và những thiết bị có thể không tìm được đơn vị cung ứng sẽ rất khó kết nối các thiết bị ngoại vi. Chưa kể nhân sự y tế, họ có thể rất tốt về chuyên môn nhưng đối với công nghệ thông tin họ có thể khá “ngại ngùng” với việc chuyển đổi số”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng chia sẻ.

Đây chỉ là những vấn đề cụ thể của một đơn vị nhỏ. Do đó, để việc chuyển đổi số hiện thực hóa, ngành y tế cần nhìn nhận đầy đủ tất cả các khó khăn, vướng mắc để có phương pháp giải cụ thể cho những bài toán cụ thể này.

Theo Bộ Y tế, đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã thúc đẩy việc chuyển đổi số ngành y tế một cách mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2021, 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim; 26 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.

Giới chuyên gia đánh giá, đây là những con số đáng ghi nhận, song kết quả chuyển đổi số vẫn còn khá khiêm tốn so với hàng trăm nghìn bệnh viện và phòng khám đang hoạt động trên cả nước hiện nay.

Dữ liệu phân mảnh, đóng cứng

Từ thực tế của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, một trong những đơn vị y tế đi đầu trong việc chuyển đổi số hiện nay, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, dữ liệu y tế số ở Việt Nam đang vừa bị “đóng cứng” lại vừa bị “phân mảnh” do chưa có chiến lược quy hoạch, xây dựng và khai thác hệ thống dữ liệu y tế số. Mặt khác, vẫn thiếu các quy định pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu y tế trong quá trình thu thập, khai thác, chia sẻ.

Một dẫn chứng khác nữa ngay trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, trong khi Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng ứng dụng PC-Covid, ứng dụng duy nhất phục vụ công tác chống dịch quốc gia, song vì thiếu các quy định pháp lý về chia sẻ dữ liệu. Kết quả là đến thời điểm này, dữ liệu tiêm chủng của nhiều người dân vẫn phải “tự cập nhật” thay vì được chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các đơn vị liên quan.

“Thông tin dữ liệu y tế yêu cầu độ chính xác cao, theo thời gian thực, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe vì liên quan đến sinh mạng con người và đòi hỏi sự bảo mật cao… Việc có cơ sở dữ liệu y tế tập trung không chỉ giúp giải quyết các bài toán khám chữa bệnh, mà còn mang ý nghĩa lớn với hoạt động của toàn ngành y và cho cả cộng đồng”, ông Đồng bày tỏ.

“Vì thiếu khung pháp lý cho chia sẻ dữ liệu, mỏ dầu dữ liệu y tế số mới đang bị đóng kín. Ngoài nguy cơ bỏ lỡ cơ hội khai thác giá trị từ chuyển đổi số y tế, thì đóng kín dữ liệu còn dẫn đến xu thế khai thác và mua bán trái phép”, ông Nguyễn Quang Đồng cho biết.

Ngoài ra, Viện trưởng IPS cũng cho rằng, gốc rễ của vấn đề chia sẻ dữ liệu là việc bảo vệ dữ liệu, vì thế khi có trung tâm dữ liệu y tế quốc gia cần phải liên thông với Bảo hiểm xã hội (BHXH). Song, khối lượng công việc này là quá lớn nên ngành y tế cần có mô hình thí điểm (sandbox) về chia sẻ dữ liệu, từ đó tạo lập mô hình chung về chia sẻ dữ liệu tốt hơn.

“BHXH hiện nay đang có kho dữ liệu vô cùng lớn. Nếu ngành y tế có thể liên kết và tận dụng cơ sở dữ liệu này có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí xây dựng, xác thực dữ liệu. Thêm nữa, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu y tế quốc gia là quá lớn, ngân sách sẽ khó đáp ứng được. Vì thế có thể làm tắt thử nghiệm qua mô hình sandbox để phục vụ tạo lập mô hình chung”, ông Đồng đề xuất.

Ông Đồng cũng cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu y tế quốc gia không phải việc riêng của ngành y tế mà còn cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính, BHXH, các bên ngoài công lập thì mới có thể thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số nhanh hơn.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, để đảm bảo tốc độ chuyển đổi số như Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bước đầu, Bộ Y tế sẽ hình thành kho dữ liệu y tế tập trung và lưu trữ dữ liệu từ hệ thống thông tin do bộ làm chủ quản và xây dựng phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu, khai thác kho dữ liệu, hướng tới đào tạo nhân lực về khoa học dữ liệu ngành y tế.

“Đây được xem như giải pháp để giải quyết bài toán khai thác hiệu quả dữ liệu y tế số, bởi xây dựng thành công và khai thác hiệu quả dữ liệu y tế số là tiền đề quan trọng nhất quyết định thành công của chuyển đổi số ngành y tế”, ông Nam cho hay.

Năm 2022, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh triển khai Sổ Sức khỏe điện tử hướng tới bao phủ toàn dân. Mỗi người dân có một sổ sức khỏe điện tử của riêng mình để chủ động quản lý. Khi đi khám bệnh sổ sức khỏe điện tử này được coi như một quyển y bạ thông tin để các bác sĩ, cơ sở y tế sử dụng hỗ trợ trong các chẩn đoán, thăm khám chữa bệnh…

“Ngoài ra, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành y tế (vừa thành lập cuối năm 2021) sắp tới đây khi đi vào hoạt động sẽ có nhiều giải pháp, chỉ đạo cụ thể giải quyết các bài toán vướng mắc, các vấn đề còn khó khăn hiện nay trong công tác chuyển đổi số của ngành y tế”, ông Nam cho biết thêm./.