nghien_tron_trai_1_szpv.jpg
Các học viên trốn trại ở Đồng Nai được thu gom, thuyết phục trở lại.
Đồng Nai là địa phương thứ 3 trong cả nước sau Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh thực hiện công tác lập danh sách đưa những đối tượng nghiện ma túy vào các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy bắt buộc. Đây được xem là bước đột phá trong công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy, nhằm góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, việc quản lý người nghiện, áp dụng các phác đồ điều trị phù hợp đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh, nhất là sau vụ gần 600 học viên cai nghiện trốn trại mới đây.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên, tỉnh Đồng Nai đã bắt tay vào thực hiện từ tháng 9/2015. Qua hơn 1 năm áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa các đối tượng nghiện ma túy vào cai nghiện tại các cơ sở bắt buộc tại Đồng Nai đã có gần 1.500 người nghiện được đưa vào chữa trị.
Việc đưa người nghiện vào các cơ sở điều trị bắt buộc được đánh giá là việc làm kịp thời, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý các đối tượng nghiện ma túy tại các cơ sở điều trị và áp dụng phác đồ điều trị như thế nào là vấn đề mà tỉnh Đồng Nai đang bàn cách tháo gỡ.
Vụ việc 562 học viên cai nghiện ma túy phá tường trốn khỏi cơ sở điều trị tại Đồng Nai vào đêm 23/10 vừa qua không phải là lần đầu. Trước đó ngày 25/9 và ngày 17/10 cũng đã từng xảy ra vụ việc học viên tại cơ sở triều trị nghiện ma túy Đồng Nai vượt tường rào bỏ trốn. Theo đánh giá, xảy ra các vụ việc trên có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên vấn đề cốt lõi vẫn là tình trạng quá tải, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu điều trị.

Để giải quyết vấn đề quá tải tại cơ sở điều trị cai nghiện ma túy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định chi 15 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc. Ngoài ra, việc tăng cường lực lượng đảm bảo An ninh trật tự cũng sẽ được chú trọng hơn.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết: “Bây giờ phải làm trước 10 phòng để giải quyết cho số quá tải. Hiện nay đang cho sửa chữa ở dưới, các học viên ở lại dưới sẽ cần tăng cường lực lượng bảo vệ ở trong cơ sở để quản lý. Ngoài ra, bên ngoài lực lượng công an sẽ hỗ trợ để đảm bảo và không để học viên trốn ra ngoài”.
Trước việc cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng, Sở Lao động-Thương binh- Xã hội đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phương án xử lý tạm thời là trả về địa phương các đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện nhưng chưa có quyết định của tòa án. Không tiếp tục đưa các đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở để tiến hành sửa chữa. Bởi thực tế, việc sửa chữa, nâng cấp tại cơ sở hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do học viên quá đông.
Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đã tiến hành sửa chữa cơ sở từ ngày 26/9 nhưng hiện nay, tình hình rất khó khăn do quá đông, muốn sửa chữa thì phải có mặt bằng để dời dồn ra”.

Chủ trương áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên là động thái được cho là nhanh chóng, hiệu quả nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Tuy nhiên, với hàng loạt các vụ học viên bỏ trốn, đặc biệt vụ việc 562 người trốn khỏi cơ sở điều trị nghiện ma túy tại Đồng Nai vào ngày 23/10 vừa qua đã gây tâm lý lo lắng cho không ít người dân. Vì vậy, cần có những giải pháp hữu hiệu hơn từ các ban, ngành, chính quyền địa phương để việc cai nghiện và quản lý học viên ở các trung tâm cai nghiện ở Đồng Nai hiệu quả hơn./.