Ngày 25/10, theo giấy mời của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67), Công an tỉnh Đồng Nai, một số tài xế đã đến làm việc liên quan đến việc sử dụng tiền lẻ thanh toán qua Trạm thu phí BOT tuyến tránh TP. Biên Hòa. Kết thúc buổi làm việc, tất cả các tài xế đều được xác nhận không vi phạm và không bị xử lý.
Đúng 9h sáng, nhiều tài xế đã có mặt trước trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên chỉ có 4 tài xế mang theo giấy mời vào trụ sở làm việc.
Các tài xế cho biết, ban đầu họ yêu cầu làm việc một lượt với cả 4 người nhưng không được đồng ý. Sau đó từng người làm việc với đại diện cảnh sát giao thông. Buổi làm việc kết thúc với tinh thần thoải mái. Cả 4 biên bản làm việc đều ghi rõ: “tài xế điều khiển phương tiện khi qua trạm thu phí sử dụng tiền có mệnh giá thấp không vi phạm các quy định của pháp luật”.
Anh Huỳnh Minh, tài xế tham gia phản đối bằng tiền lẻ cho rằng buổi làm việc không có nhiều ý nghĩa bởi đa số các tài xế vẫn bảo lưu quan điểm là yêu cầu rời trạm thu phí về đúng đường tránh. Nếu trạm thu phí trở lại, họ sẽ vẫn sử dụng tiền lẻ.
Tài xế Minh thuật lại, cán bộ công an giải thích với anh rằng trạm BOT đặt ở vị trí hiện nay trên Quốc lộ 1A là không sai vì chủ đầu tư có đầy đủ các giấy tờ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi anh lập luận tại sao không đi đường tránh cũng vẫn phải đóng phí đầy đủ thì không được giải thích thêm.
Tài xế Huỳnh Minh nói sau buổi làm việc với công an: “Chúng tôi trả tiền lẻ không sai. Họ nói, cái trạm BOT đó là do nhà nước, họ có các giấy tờ quyết định trạm đặt ở đó là đúng. Tôi không đi đường tránh Quốc lộ 1A thì tại sao tôi phải trả tiền cho đường tránh đó, thì các anh giao thông các ảnh không trả lời được”.
Cả 4 biên bản làm việc đều được đánh máy theo mẫu sẵn. Ngoài phần ghi nội dung làm việc, biên bản có phần tuyên truyền về tính pháp lý của Trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa, theo đó khẳng định cho đến nay trạm thu phí này đặt trên Quốc lộ 1A là đúng quy định của pháp luật.
Phần cuối biên bản có dẫn một số quy định pháp luật về hành vi cố tình dừng, đỗ xe gây cản trở giao thông có thể bị phạt hành chính từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng; không chấp hành hiệu lệnh có thể bị phạt đến 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 đến 3 tháng; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự với khung phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Kết thúc buổi làm việc, nhiều phóng viên xin vào trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu thêm thông tin nhưng chiến sĩ gác cổng không cho vào, yêu cầu có giấy giới thiệu của Giám đốc Công an tỉnh./.
Bất cập từ các trạm BOT: Dân “cuống cuồng” né đường BOT