Nhằm tránh thiệt hại do bão số 8 có thể gây ra xảy ra, hôm nay (27/10), các địa phương đồng bằng Bắc bộ tập trung triển khai sơ tán dân ở vùng nguy hiểm và triển khai phương án bảo vệ diện tích thủy sản, cây trồng vụ đông.

Ngay sau khi nhận được công điện của Thủ tướng Chính phủ và công điện của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã ban hành ngay hai công điện khẩn yêu cầu tất cả các địa phương tăng cường công tác phòng chống lụt bão.

Ninh Bình tập trung mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra. Chi cục thuỷ lợi phối hợp với phòng nông nghiệp các huyện, thị, thành phố rà soát các hồ, đập, công trình đang thi công, chủ động tiêu thoát nước đệm và có biện pháp tiêu úng kịp thời để bảo vệ 11.000 ha lúa được an toàn. Các lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng đến các địa bàn trọng điểm giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong trường hợp bão đổ bộ vào địa bàn.

Đối với huyện Kim Sơn, yêu cầu tăng cường lực lượng thu hoạch lốt 200 ha lúa mùa muộn còn lại trong ngày hôm nay. Còn huyện Nho Quan đặc biệt trú trọng khi mưa lớn xảy ra, đề phòng lũ dâng cao trên sông Hoàng Long.

Ông Vũ Công Hoan, Chánh văn phòng UBND tỉnh, Ủy viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi bám sát diễn biến của cơn bão, triển khai các biện pháp tích cực, đang tập trung đưa toàn bộ số dân ngoài vùng đê Bình Minh thuộc huyện Kim Sơn vào nơi an toàn trước 7h tối nay. Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra đê kè, cống hồ đập và tiêu kiệt nước đệm để đề phòng tiêu úng cho cây vụ đông”.

Ông Lê Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng cho biết: Thành phố có hơn 40.000 ha lúa mùa. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch xong một nửa diện tích. Trong ngày hôm nay và ngày mai (28/10), chính quyền địa phương và ngành chức năng tiếp tục huy động lực lượng để giúp người dân thu hoạch nhanh lúa mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đồng thời triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi thủy sản.

 “Lo lắng nhất là thu hoạch lúa mùa. Nếu 20.000 ha lúa mùa của Hải Phòng không được thu hoạch kịp thời sẽ ảnh hưởng tới năng suất và thu nhập của người nông dân. Hải Phòng có huyện đảo Bạch Long Vĩ và quần đảo Cát Bà, là những huyện trực tiếp với biển nên nếu có sóng to gió lớn thì cũng có thể ảnh hưởng đến tàu thuyền nếu như không về kịp hoặc những khu nuôi trồng thủy hải sản. Trong công điện của Ủy ban sáng nay phát hành thì nhắc nhở rất kiên quyết những nội dung quan trọng này”./.