Tại tỉnh Khánh Hoà, một khu đất vàng được giao doanh nghiệp để tỉnh có một trường Cao đẳng nghề xây mới, hiện đại. Thế nhưng, ngân sách địa phương lại phải bỏ ra 45 tỷ đồng để xây thêm ký túc xá. Việc này gây ra nhiều phản ứng trong dư luận xung quanh dự án BT. Nhiều người đề nghị làm rõ, có hay không sự ưu ái cho doanh nghiệp, gây nên thiệt hại cho Nhà nước?

nha_trang_1_hqvm.jpg
Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Nha Trang được xây dựng theo hình thức BT

Khu đất cũ của trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang có diện tích hơn 27.000 mét vuông, tiếp giáp 2 con đường sầm uất ở trung tâm thành phố Nha Trang là: Trần Phú và Tô Hiệu. Xung quanh khu đất là các trung tâm du lịch biển nổi tiếng của Nha Trang. Hiện nay, ở đây vẫn diễn ra hoạt động dạy và học nhưng như một đại công trường, máy móc ngổn ngang, cả trăm khối bê tông xếp chồng lên nhau, cao hàng chục mét.

Trong khuôn viên trường, có dãy phòng làm việc gắn bảng “Công ty cổ phần Vinaminco Khánh Hòa”. Hiện nay, nhiều hoạt động của trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Nha Trang đã được chuyển sang vị trí mới tại xã Phước Đồng, cách vị trí trường hiện tại khoảng 7km. Khuôn viên trường mới rộng hơn 74.000 mét vuông, sau hơn 1 năm tiếp quản, sử dụng nhưng một số hạng mục vẫn đang phải sửa chữa và chưa thể nghiệm thu. Dù đã về trường mới nhưng thiếu khu thực hành nên sinh viên vẫn phải qua cơ sở cũ để học. Ngoài một số nhà xưởng, nhà trường cũng đang thiếu công trình ký túc xá, hội trường.

Ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang lo ngại: "Trường chưa ký nghiệm thu, vì có một số hạng mục chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thiện tốt rồi mới dám ký. Giai đoạn 1 với dự toán này là đủ. Giai đoạn 2, còn thiếu nhà học 1, hội trường".

Nhiều máy móc đào bới bên trong Trường Cao đẳng nghề Nha Trang

4 năm trước, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban quản lý dự án các công trình xây dựng dân dụng tỉnh ký hợp đồng đầu tư xây dựng trường cao đẳng nghề Nha Trang (nay đổi tên là trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Nha Trang) với Vinaminco Khánh Hòa theo hình thức xây dựng- chuyển giao (BT) tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang. Giai đoạn 1, tổng mức 302 tỉ đồng. Để thực hiện dự án BT, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi hơn 7,4 ha đất, thuộc quyền sử dụng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, giao lại cho Vinaminco Khánh Hòa theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất. Quyền lợi của Vinaminco Khánh Hòa là được sử dụng khu đất 32 Trần Phú - cơ sở cũ của trường Cao đẳng nghề Nha Trang, để khai thác, kinh doanh, thu hồi vốn. Khu này có diện tích 27.000m2. Hiện nay, tại cơ sở mới chưa có ký túc xá nên Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phải trích ngân sách 44,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng ký túc xá. Đến nay, công trình đã khởi công, xây đến tầng thứ 2, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Ông Lê Quang Thanh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình Xây dựng dân dụng tỉnh Khánh Hòa cho biết: Dự án BT bên em đã làm xong trước mới làm Ký túc xá, mới thi công đây. Cơ sở cũ ở 32 Trần Phú của Trường Cao đẳng nghề, phía sau có ký túc xá. Trong hợp đồng BT không có hạng mục ký túc xá. Do nhu cầu  cần ký túc xá cho học sinh phải đầu tư, nhu cầu cần thiết tỉnh mới đầu tư ký túc xá.)

Cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng nghề Nha Trang còn khá chất lượng

Được biết, tại khu đất trên đườngTrần Phú, chủ đầu tư sẽ triển khai dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp - trung tâm thương mại - cơ sở đào tạo du lịch - khách sạn Russia. Sau khi bị cơ quan chức năng điều chỉnh giảm số tầng, hạ thấp độ cao, dự án vẫn còn quy mô rất lớn. Cụ thể, 5 tháng trước, tỉnh Khánh Hòa thông qua phương án xây dựng với 5 tòa nhà, quy mô cao 40 tầng và 5 tầng hầm, trong đó có 770 phòng khách sạn, 1.900 căn chung cư, với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng.

Trong khi dự án được quảng cáo với các cụm từ hoa mỹ như “là nơi hội tụ mọi hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí đỉnh cao và xa hoa bậc nhất thế giới”, “ các tiện ích thời thượng như: Casino, bến du thuyền, thủy cung, rạp hát, sân khấu nhạc nước…” thì nhiều người đang lo áp lực từ cộng đồng dân cư sắp được hình thành; trước hết là nỗi lo về giao thông, giáo dục.

Ông Trần Nguyên Lập, Trưởng Phòng Giáo dục thành phố Nha Trang cho biết: "Khu vực của Vĩnh Nguyên dân cư rất đông, riêng khối lớp 1, hiện nay đã 46 em/1 lớp. Khu chung cư đó xây lên chắc chắn sẽ áp lực. Dự báo chắc chắn sẽ thiếu chỗ. Khi có khu đô thị thì nên có các trường Tiểu học, Trung học cơ sở để phục vụ cho bà con trong khu chung cư đó".

Ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, trường Cao đẳng nghề Nha Trang là cơ sở dạy nghề có gần 60 năm trước. Đây là cơ sở đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, nhân lực cho các tỉnh Nam Trung bộ. Việc thực hiện dự án BT tại cơ sở này cũng giống như một số dự án BT khác trên địa bàn. Điều khó hiểu là vì sao một khu đất vàng ở trung tâm thành phố đưa ra hoán đổi lấy công trình trường học mà lại không có hạng mục ký túc xá? Bây giờ, tỉnh lại đổ thêm ngân sách vào cho công trình mới. Ông Phạm Văn Chi đề nghị làm rõ có gì khuất tất hay không?

"Vị trí ở đường Trần Phú mà đi vào vùng xa, lại không đủ kinh phí xây dựng là quá lạ. Đáng ra phải dư ít nhất 3-4 lần. Mắc mớ gì phải đi, tự nhiên đi rồi tốn tiền mà ảnh hưởng cả thầy, cả trò, ảnh hưởng điều kiện sinh hoạt của thầy trò nữa", ông Chi băn khoăn.

Liên quan những vụ việc giao đất công để thực hiện các dự án BT tại thành phố Nha Trang trong thời gian vừa qua, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa./.