Mỗi dịp kỷ niệm các ngày Lễ lớn, Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa lại tìm địa điểm tổ chức Tuần phim để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Không chỉ thiếu các rạp chiếu phim, hiện nay, hoạt động của Trung tâm cũng hết sức khó khăn vì thiếu địa điểm, hội trường chật hẹp.
Ông Văn Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa lo lắng: “Phim mà không có rạp thì làm sao mà khai mạc? Thiết bị chiếu trong rạp thì không có. Khi xã hội hóa thì chắc chắn chúng tôi ra rìa. Trung tâm văn hóa làm kỳ, cuộc thì phải xuống Quảng trường chứ chỗ đâu mà làm? Nếu xuống Quảng trường thì phải làm giấy tờ, phải báo cáo xin hỗ trợ từ thành phố, qua Công an, Chữa cháy, Môi trường đô thị, phiền toái lắm.
Rạp chiếu phim Kim Đồng từng được tỉnh Khánh Hòa giao cho một doanh nghiệp. |
Ngành văn hóa tỉnh Khánh Hòa từng có 7 rạp chiếu phim tại trung tâm thành phố Nha Trang, hầu hết các rạp đều được xây dựng trước năm 1975. Những tên rạp như: Tân Tân, Tân Tiến, Tân Quang, Tân Quang, Hưng Đạo, Tân Thanh… đã quen thuộc với người dân Nha Trang.
Những rạp chiếu phim này tọa lạc trên những khu đất rộng hàng trăm m2 ở những tuyến phố chính, trung tâm thành phố Nha Trang. Đến nay, các rạp chiếu phim không còn hoạt động nữa, có khu đất đã được xây khách sạn, siêu thị sách, trụ sở cơ quan. Mới đây nhất, một khách sạn cao tầng của tư nhân mọc lên trên khu đất rạp Tân Quang, nằm ở ngã 6 trung tâm thành phố Nha Trang.
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước đây mặc dù hoạt động chiếu phim gặp nhiều khó khăn nhưng các rạp luôn được các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa quản lý chặt chẽ: “Các khu làm rạp chiếu bóng từ trước đến nay đều là những khu đất đẹp, trung tâm, ở các phường trung tâm. Chúng tôi giữ liên tục. Do có khoảng thời gian bị ế như thế nên họ đem bán. Đây là một phần khách quan và chủ quan để mất đi những vị trí đẹp. Có thể xây dựng mỗi rạp như vậy thành Nhà văn hóa, sinh hoạt công cộng thì rất tốt”.
Một rạp chiếu phim nay đã thành trụ sở của Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh. |
Trong khi các rạp chiếu phim, cơ sở của ngành văn hóa được thu hồi phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội thì ngành văn hóa lại thiếu cơ sở hoạt động. Hiện, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đang sử dụng tòa nhà chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng. Công trình này xây dựng từ trước năm 1945. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng đang thiếu nơi biểu diễn.
Ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh đã thu hồi đất của 5 rạp để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, hiện nay còn 2 rạp nhưng không chiếu phim mà để làm trụ sở các cơ quan làm việc. Một là khu đất 62 Sinh Trung của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, thứ 2 là 128 Hoàng Văn Thụ, là nơi làm việc của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Như vậy, rạp chiếu phim hiện chỉ còn 2 cơ sở còn của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa”.
Rạp Tân Quang nay đã trở thành một khách sạn cao tầng. |
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước thực trạng thiếu các thiết chế văn hóa tại thành phố Nha Trang, Thường trực Tỉnh ủy đã giao Sở Văn hóa- Thể thao có phương án quy hoạch đầu tư, xây dựng trung tâm biểu diễn tại địa bàn thành phố Nha Trang. Để phát huy hiệu quả đầu tư, sử dụng, Trung tâm này sẽ được xây dựng thành nơi biểu diễn tổng hợp, đồng thời là nơi tổ chức các đợt sinh hoạt sính chính trị, phục vụ du lịch.
“Một trung tâm có diện tích từ 3000-5000m2, Thường trực đã cho ý kiến trên cơ sở đề xuất của Ban cán sự Đảng Ủy ban. Hy vọng khi đã hoàn chỉnh quy hoạch này, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ bố trí mức ngân sách hợp lý, để sớm triển khai trung tâm biển diễn cho toàn tỉnh. Đây là một địa điểm sinh hoạt chính trị rất quan trọng, góp phần làm cho các thiết chế văn hóa của tỉnh ngày càng đa dạng, phong phú”, ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay./.
Đồng Nai đấu giá thêm 1 khu “đất vàng” thu hơn 3.000 tỷ đồng