Cứ 8 tiếng trôi qua lại có thêm 1 cháu bé trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại này. Việc xâm hại tình dục trẻ em diễn ra liên tục trong thời gian gần đây khiến dư luận phẫn nộ. Thậm chí trẻ dưới 1 tuổi cũng có nguy cơ bị xâm hại...
Số vụ xâm hại trẻ ngày càng tăng
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), trong 1.000 vụ xâm hại tình dục (XHTD), số trẻ em gái ở độ tuổi 12 -15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm 13,2%.
ảnh minh họa |
Trung tá Khổng Ngọc Oanh (Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) nhận định: Độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng giảm. Thậm chí trẻ dưới 1 tuổi cũng có nguy cơ bị xâm hại. Vụ bé gái 1 tuổi ở Quảng Ninh bị ông hàng xóm dâm ô là hồi chuông báo động vấn nạn XHTD đang hoành hành.
Bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ: Dường như cái ác đang rình mò ở mọi nơi. Thủ phạm là anh họ, hàng xóm nghe đã rất kinh hoàng. Thế nhưng đến ông nội, bố đẻ cũng là thủ phạm thì hoang mang tột độ. Không chỉ người lao động tự do hay không có nghề nghiệp mới là thủ phạm, mà trong đó có cả giám đốc ngân hàng, thầy giáo, cán bộ văn hóa, tổ trưởng dân phố... Tất cả những thông tin về thủ phạm thực sự tạo ra cú sốc cho xã hội.
Điều khiến xã hội phẫn nộ là, những vụ việc được đưa ra xét xử chiếm tỷ lệ thấp và kẻ phạm tội chịu những bản án quá nhẹ so với tội ác mà chúng gây ra. Có rất nhiều vụ việc cho thấy, người bị hại bị tổn thương nặng nề tinh thần, còn kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ, chỉ bị phạt tù mức án rất thấp, hay cảnh cáo. Bà Vân Anh dẫn chứng, vụ việc bé gái 14 tuổi (ở Quảng Ninh) bị ông tổ trưởng dân phố xâm hại tới 4 lần.
Sau khi bị phát hiện kẻ xâm hại đã bỏ trốn khỏi địa phương. Vụ việc được công an tỉnh điều tra, khởi tố sau đó tạm đình chỉ vì hết hạn điều tra, không xác định được bị can. Hay vụ việc bé gái 11 tuổi (ở Thạch Thất, Hà Nội) bị ông hàng xóm xâm hại. Vụ việc được trình báo tới công an huyện nhưng không có phản hồi. Gia đình tìm sự hỗ trợ từ CSAGA vì 2 năm nay chưa được giải quyết.
Bên cạnh đó, đa phần số vụ án hiếp dâm trẻ em, người nhà vẫn còn tâm lý lo ngại, điều tiếng nên không làm đến cùng vụ việc. Rào cản nữa là, họ thiếu niềm tin vào công lý, sự chậm trễ, thờ ơ của chính quyền địa phương. Thủ tục tố tụng của tòa án thường rất lâu, kéo dài và tập trung vào chứng cứ thể xác hoặc bằng chứng pháp y hơn là độ tin cậy của sự việc…
Cần giáo dục sớm để các em biết tự bảo vệ mình
Để giải quyết những bất cập trên UN Women khuyến cáo, cần thiết lập các dịch vụ tư pháp có chất lượng dành cho nạn nhân, ưu tiên đảm bảo an toàn, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Cần cải thiện khung pháp lý và chính sách toàn diện...
Về phía nhà trường, giáo dục về giới tính vẫn là “vùng cấm” mà mọi người ngại chia sẻ. Hơn nữa, chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường khá rời rạc, còn các bậc phụ huynh chưa đủ kiến thức để trang bị cho con.
Vì thế, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng: Nhà trường cần phải kết hợp với phụ huynh để có định hướng sớm giúp trẻ đảm bảo đời sống sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, trong đó có vấn đề phòng chống XHTD.
Ông Tuấn nêu một thực tế, khi có sự việc bất thường, các trường thường báo cáo rất chậm, thậm chí tảng lờ vì lo ảnh hưởng đến các danh hiệu của trường. Do vậy, cần thiết người bị hại và phụ huynh phải dũng cảm lên tiếng tố cáo.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 28/8/2017, các trường học trên toàn quốc phải thành lập Phòng tham vấn tâm lý. Tại đây, những vấn đề bị né tránh cũng sẽ được giải thích và giúp các em “gỡ rối”.
Từ phía nhà trường, bà Nguyễn Phương Liên (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) cho biết, trong năm học 2016 - 2017, Phòng tham vấn của trường đã thực hiện được hơn 50 ca tư vấn. Ngoài ra, giáo viên cũng cần theo dõi và tham gia vào các diễn đàn mạng xã hội của học sinh để kịp thời nắm bắt và đưa ra giải pháp khi có vấn đề nảy sinh.
Theo Bà Lan Phương, cán bộ phụ trách truyền thông phòng ngừa bạo lực giới UN Woman: Bộ GD-ĐT cần đưa phòng tham vấn hoạt động thực sự có hiệu quả, phải có chất lượng và giúp ích được cho học sinh, chứ không phải chỉ là hình thức, làm hời hợt để cho có./.
Truy tố bảo vệ trường học xâm hại tình dục nhiều nữ sinh tiểu học
Bị xâm hại tình dục: Cách nào giúp trẻ vượt khủng hoảng?
Từ những vụ xâm hai tình dục: Trẻ cần được bảo vệ từ chính gia đình