Như thông tin VOV đã đưa, vào ngày 25/6 tại xã Tân Thuận Tây thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra một vụ đổ trụ ăng ten thu phát sóng viễn thông làm 2 người chết. Cũng từ vụ tai nạn gây chết người này mà hiện nay người dân trên địa bàn tỉnh rất hoang mang, lo lắng, nhất là đối với các gia đình có nhà ở gần các trụ ăng ten này.

tram_hoa_rxos.jpg
Trụ ăng ten tại xã Hòa An đã được xây dựng 20 năm ít được bảo dưỡng.
Sau khi sự cố ăng ten viễn thông xảy ra làm 2 người chết tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, Trung tâm viễn thông thành phố Cao Lãnh đã cùng các đơn vị có chức năng đi kiểm tra thực tế tại một số trụ ăng ten đặt trên địa bàn.

Qua kiểm tra thực tế 2 trụ ăng ten tại xã Hòa An và phường 11, đoàn kiểm tra nhận xét, nhìn bằng mắt thường các trụ này vẫn đảm bảo, dây chằng và dây tiếp đất vẫn hoạt động tốt. Riêng tại trụ ăng ten Bưu điện Trần Quốc Toản phường 11 có quá nhiều thiết bị nên khả năng chịu tác động của sức gió bộc lộ hạn chế.

Sống sát vách điểm bưu điện cũng như trụ ăng ten này, ông Nguyễn Văn Công cho biết, trụ ăng ten đã được dựng lên cách nay gần 20 năm trên nóc nhà của bưu cục. Thời gian lâu ngày, bưu cục hiện đã ngưng hoạt động gần 5 năm nay nên ít ai bảo trì, bảo dưỡng do đó người dân như ông hết sức lo lắng.

“Ăng ten được lắp đặt lâu ngày nhưng không được bảo dưỡng, theo dõi nên khó có thể đảm bảo chất lượng nhất là vào mùa mưa bão. Ăng ten có trọng lượng rất lớn nếu gặp sự cố sẽ gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản. Do vậy, các cơ quan có trách nhiệm cần điều chỉnh tăng tính an toàn đảm bảo cuộc sống cho người dân”, ông Công đề nghị.

Được biết, sau khi xảy ra sự cố đổ ăng ten viễn thông gây chết người, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Đồng Tháp đã có buổi họp khẩn với các đơn vị quản lí, khai thác các trụ ăng ten trên toàn tỉnh để thông tin về tai nạn và chỉ đạo một số biện pháp cấp bách. Trong đó, giao các nhà mạng nhanh chóng kiểm tra lại toàn bộ số trụ ăng ten đang khai thác. Nhất là các trụ có tuổi thọ trên 15 năm, kịp thời đánh giá hiện trạng và đưa ra giải pháp thay thế, sửa chữa sao cho đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Theo đại diện doanh nghiệp VMS-Mobifone Đồng Tháp, trụ ăng ten tại Tân Thuận Tây đã được đơn vị này lên danh sách là một trong 5 trụ cần có giải pháp xử lí gấp. Cụ thể là các điểm trụ 282 Trần Quốc Toản, trụ 265 Bình Trị, trụ Tân Thuận Tây (Thành phố Cao Lãnh) và trụ Tân Thành, trụ Tân Hòa (huyện Lai Vung). Gần 1 tháng sau khi có văn bản kiến nghị thì xảy ra sự cố sập trụ tại Tân Thuận Tây làm 2 người thiệt mạng.

Hiện nay, ngoài VNPT, các đơn vị đang cung cấp dịch vụ di động ở Đồng Tháp cũng đã triển khai công tác kiểm tra, bảo dưỡng đối với các trụ ăng ten của đơn vị. Chi nhánh Viettel Đồng Tháp có kế hoạch kiểm tra hơn 400 trụ của đơn vị đang khai thác.

Ông Nguyễn Văn Rê, người dân sống gần trụ ăng tên tại Phường An Lộc, thị xã Hồng Ngự cho rằng, các trạm thu phát sóng thông tin viễn thông di động mọc lên dày đặc giữa khu dân cư khiến người dân lo lắng, nhất là khi việc quản lý của cơ quan chức năng quá lỏng lẻo. Trong khi đó, vụ tai nạn gây chết người tại Đồng Tháp từ cột thu phát sóng thông tin viễn thông là bài học rất đắt.

“Đề nghị các ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra kĩ thuật cột ăng ten để đảm bảo an toàn, tránh những sự cố đáng tiếc nhất là trong khu vực có lưu lượng người lưu thông cao”, ông Rê kiến nghị.

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 2.000 trụ ăng ten đang hoạt động. Trong đó chủ yếu là của các nhà mạng di động. Trong số này có những trụ ăng ten mới được đầu tư và cả những trụ đã được xây dựng từ rất lâu.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự và trách nhiệm của các đơn vị quản lí, khai thác để không xảy ra những vụ tai nạn thương tâm khi mà mùa mưa bão đang diễn ra./.