Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 23/8, cả nước đã tiêm 255.132.271 liều vaccine Covid-19, trong đó tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là hơn 14,8 triệu mũi (mũi 1 là hơn 9 triệu, mũi 2 là hơn 5,7 triệu). Hiện chỉ còn 8 ngày để đạt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, nhưng nhiều địa phương tiêm rất chậm, thấp, có 5 tỉnh, thành tiêm mũi 2 mới chỉ từ 17,2%- 30,8%.

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, trong công tác tiêm vaccine Covid-19, bên cạnh các địa phương tiêm nhanh, vẫn có một số địa phương không đạt tiến độ tiêm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng ở các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.

Người dân vẫn còn tâm lý chủ quan

PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện người dân có tâm lý sau khi đã tiêm những mũi cơ bản, việc mắc Covid-19 cũng nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, họ cho rằng việc mắc Covid-19 sẽ có miễn dịch bảo vệ nên không cần phải tiêm các mũi bổ sung. Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại sau tiêm cơ thể sẽ mỏi mệt hơn so với khi mắc Covid-19 và có thể gặp phản ứng nặng sau tiêm.

Tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Quang Thái, thực tế mũi tiêm vaccine thứ 4 rất cần với những người thuộc nhóm miễn dịch kém, người cao tuổi.

“Có những trường hợp dù đã tiêm đầy đủ mũi vaccine nhưng kháng thể tạo ra không bền vững theo thời gian, miễn dịch sẽ bị giảm và giảm nhanh hơn những nhóm người khác. Khi một đợt dịch mới tràn qua, với lượng kháng thể ít ỏi còn sót lại họ sẽ không chống đỡ được và có nguy cơ tăng nặng và nhập viện”- TS Phạm Quang Thái cho biết.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay tại các cơ sở điều trị, đa số các trường hợp F0 nhập viện là đã trong tình trạng nặng. Vì vậy, việc tăng cường truyền thông để tăng tỷ lệ tiêm mũi vaccine nhắc lại là rất quan trọng.

“Cần phải để người dân nhận thức mũi vaccine thứ 4 hay mũi nhắc lại lần 2 là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những người có hệ miễn dịch chưa tốt hoặc là những người tuổi cao, làm việc trong những nơi đông người, hoặc trong chuỗi sản xuất đều cần phải tiêm mũi vaccine này”- TS Phạm Quang Thái cho biết.

Tiêm vaccine là trách nhiệm với cộng đồng

PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, miễn dịch của Covid-19 khác với một số dịch bệnh khác. Miễn dịch của Covid-19 không bền vững và khi sau một thời gian miễn dịch giảm, kể cả miễn dịch mà tự nhiên mắc phải cũng giảm đi, dẫn đến người nhiễm vẫn bị tái nhiễm. Còn việc tiêm vaccine, sau một thời gian khoảng 4-6 tháng, miễn dịch cũng sẽ giảm. Vì vậy, người dân cần phải tiêm mũi nhắc lại để củng cố miễn dịch, nếu không tiêm thì sẽ bị nhiễm lại, đặc biệt vào những đối tượng tổn thương sẽ gây nặng, quá tải bệnh viện, gây tử vong.

“Đến thời điểm này, miễn dịch của cộng đồng đã giảm và số ca mắc tăng, bệnh viện tuyến Trung ương bắt đầu đã có sự gia tăng trở lại”- ông Trần Đắc Phu cho biết.

Về các phản ứng sau tiêm, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, vaccine nào cũng có phản ứng, từ phản ứng nhẹ như đau bại chỗ tiêm đến mệt mỏi, sốt, kể cả có trường hợp sốc, tử vong. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, hầu hết phản ứng của vaccine phòng chống Covid-19 đều nhẹ.

Theo ông Phu, người dân cần so sánh giữa lợi ích và rủi ro. Lợi ích là tiêm để không bị dịch, tiêm để không bị mắc bệnh, để không bị là nguồn lây cho những người chưa tiêm vaccine, cho những đối tượng nguy cơ cao. Còn rủi ro là có nhưng rất ít. Vì vậy, chúng ta phải cần thiết tiêm chủng và trong lúc này cần phải tiêm chủng theo chỉ định của Bộ Y tế.

Bởi tiêm chủng không những phòng bệnh cho chính mình mà còn là phòng bệnh cho cộng đồng. Khi cộng đồng tạo được một miễn dịch thì dịch sẽ không bùng phát, vì vậy bản thân mỗi người còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.

“Những ai cần tiêm, chưa tiêm do trước đó lý do phải trì hoãn thì tiêm vét lại những mũi cơ bản. Những ai cần tiêm bổ sung thì tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế”- PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Bộ Y tế nhấn mạnh tiêm vaccine là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19, do đó các địa phương cần bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19; Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch Covid-19./.