Biệt thự số 26 Lê Lợi- trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế từ năm 1975 đến cuối năm 2021. Đây là công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc, có sự giao thoa với kiến trúc bản địa được xây dựng đầu thế kỷ 20, nằm trên khu "đất vàng" ở đường Lê Lợi, thành phố Huế.
Mới đây, UBND thành phố Huế đã làm việc với các Sở, ngành liên quan và đơn vị dự kiến thực hiện di dời là Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư di dời biệt thự này. Căn cứ phương án đề xuất của Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư, phương án dự kiến di dời biệt thự Pháp được UBND thành phố Huế thống nhất thực hiện theo trình tự 14 bước, gồm: Cắt phá tường biệt thự từ mặt nền hiện hữu lên cao khoảng 75cm, cấy sắt đổ dầm bê tông cốt thép kiềng ngang, dọc; làm mặt bằng khu vực công trình đi qua; bố trí kích vào đế bê tông nêm kỹ dưới đáy đà kiềng; lót ván làm đường ray để di dời; lắp đặt các con lăn trên ván làm đường ray; dùng ba-lăng để căng cáp kéo công trình; dùng ben thủy lực để kéo hoặc đẩy công trình.
Trong khi kéo công trình băng qua đường Lê Lợi, dọc đường Phạm Hồng Thái sẽ kéo hoặc đẩy xoay công trình 90 độ mặt tiền hiện trạng đường Lê Lợi thành mặt tiền đường Phạm Hồng Thái. Sau đó, đẩy công trình vào đúng vị trí móng mới.
Theo lãnh đạo thành phố Huế, dự kiến việc di dời ngôi biệt thự Pháp cổ sẽ thực hiện trong khoảng thời gian 4 tháng. Kinh phí thực hiện di dời khoảng 2,5 tỷ đồng, chưa tính kinh phí cải tạo tòa nhà sau khi di dời. Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty cổ phần Hạ tầng và dịch vụ truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất số 26, 28 Lê Lợi, thành phố Huế.
Kiến trúc sư Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Các công trình kiến trúc của Pháp đang để lại ở Huế, đó cũng là một quỹ kiến trúc rất giá trị. Bởi vì nó đánh dấu một dấu ấn mặt thời gian về mặt lịch sử của cố đô Huế. Tuy nhiên, muốn giữ lại cái nào và không nên giữ thì trước hết là khẳng định nó về niên hạn sử dụng, giá trị lịch sử, văn hóa của công trình đó, mới có thể xác định lại. Cái nào nên để cái nào không và cái nào phải giữ lại vị trí cũ”./.