Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, hiện nay tệ nạn mại dâm có chiều hướng giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác phòng chống mại dâm tiếp tục vấp phải những khó khăn. 

Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Trọng Đàm về nội dung này.
mai_dam_axve.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.

PV: Thưa ông, khó khăn trong công tác phòng chống mại dâm hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Việc đấu tranh phòng chống mại dâm rất khó khăn bởi vì nó trá hình, ẩn giật. Tính chất của tệ nạn này khác với các loại khác, hoạt động tinh vi, nhiều phương thức khác nhau và luôn luôn tìm cách trốn tránh nhà quản lý và các cấp chính quyền. Nếu có sự đồng lòng, quyết tâm cao của tất cả các cấp, các ngành cùng làm sẽ bớt khó khăn hơn. 

Một khó khăn nữa là do nhiều địa phương chưa quan tâm nhiều, sợ đấu tranh làm gay gắt quá sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Cái khó hiện nay là nhân lực và nguồn lực cho việc đấu tranh phòng chống mại dâm cũng chưa đáp ứng được, còn hạn chế.

PV: Có ý kiến cho rằng, số liệu đánh giá mại dâm giảm chỉ là bề nổi, còn thực tế nó đang gia tăng và thường năm sau cao hơn năm trước, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Tôi chưa thật đồng tình với nhận định mại dâm cứ năm sau cao hơn năm trước, bởi vì chưa có bằng chứng cụ thể. Qua theo dõi gần đây, chúng tôi thấy rằng, gần đây các địa phương đều nhận định và đánh giá là tình hình mại dâm có giảm. Tình trạng mại dâm đường phố và các điểm du lịch hiện nay không còn bức xúc như thời gian trước nữa. Đó là kết quả của cả quá trình đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm. Tất nhiên, chúng ta vẫn nói, mại dâm rất khó để có thể nắm hết được đối tượng. Người hoạt động mại dâm có thể ví như tảng băng mà chúng ta chỉ nắm được bề nổi, nhưng tôi cho rằng riêng bề nổi giảm là có thể đánh giá là nó giảm.

PV: Vậy theo ông, giải pháp nào cần được triển khai và tăng cường để có thể phòng chống mại dâm một cách hiệu quả hiện nay?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Có rất nhiều giải pháp nhưng tôi cho rằng, cái quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu trên từng địa bàn.

Bây giờ các xã, phường phải chịu trách nhiệm trên địa bàn quản lý của mình, nếu để tình trạng bức xúc gia tăng phải chịu trách nhiệm rõ ràng. Chúng ta không thể nói rằng ở xã, phường lại không biết được tình trạng lộn xộn ở xã của mình. Vấn đề là biết nhưng có làm hay không? Vì vậy, chúng ta phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu một cách cụ thể và có hình thức đánh giá cán bộ trong việc để tình trạng tệ nạn xã hội nói chung và mại dâm trên địa bàn tăng.

Thời gian vừa qua, chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm rất quyết liệt nên những địa bàn nóng, nổi cộm đến bây giờ đã giảm. Địa phương đã vào cuộc, có giải pháp cụ thể và làm chuyển biến tình hình, vậy tại sao không tăng cường lên. Tôi cho rằng, muốn hay không người quản lý trên địa bàn phải chịu trách nhiệm toàn diện.

Phòng chống mại dâm điều cần chú trọng nhất là làm thế nào để giảm hại được đối với họ và cộng đồng. Tức là phải tiếp cận với họ một cách cởi mở để họ có thể sẵn lòng tâm sự với mình.

Như vậy mới có thể trao đổi, tư vấn và hỗ trợ họ được trong vấn đề giảm hại, giúp họ biết cách phòng tránh bệnh và những nguy cơ bị xâm hại khác, để ngăn chặn lây nhiễm các bệnh xã hội. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường các dịch vụ dạy nghề, tư vấn để họ có được việc làm, giúp họ từ bỏ công việc cũ, chuyển sang công việc lành mạng. Đấy là những giải pháp tôi cho là căn cơ nhất.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.