Hôm nay (5/12), tại Kỳ họp cuối năm, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng sau những vụ sạt lở khiến 22 người chết, 32 người bị thương, tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.

hop_hoi_dong_nhan_dan_khanh_hoa_vov_jlax.jpg
Toàn cảnh phiên họp HĐND Khánh Hòa.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa truy vấn trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng khi cấp phép cho các dự án đô thị ven các sườn đồi, tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng tại nhiều tuyến đường, khu dân cư ở thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh. Tại thành phố Nha Trang đã hình thành nhiều khu dân cư tự phát, người dân xây dựng nhà ở trái phép tại những vùng xung yếu, dễ xảy ra sạt lở.  

Ông Nguyễn Lê Đình Trị, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nha Trang cho rằng, thành phố rất khó khăn trong việc đưa người dân đến nơi ở mới. Nhiều hộ dân được cấp đất tái định cư đã đem bán rồi lên núi xây nhà trái phép.

”Trước đây đã được cấp đất tái định cư rồi, giải quyết thế nào đây, cấp đất tái định cư lại à? Đối với thành phố Nha Trang hết sức nan giải, hết sức lo lắng chuyện này. Tôi đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là thành phố Nha Trang quyết liệt kiểm tra lại các khu dân cư tự phát hiện nay. Đề xuất giải quyết rốt ráo các chuyện này. Nếu để ảnh hưởng đến tính mạng, đe dọa người dân, có chuyện gì là chúng ta phải chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Lê Đình Trị nói.

Giải trình tại kỳ họp cuối năm, Giám đốc các sở Tài nguyên- Môi trường, Xây dựng đều cho rằng bên cạnh trách nhiệm tham mưu, quản lý nhà nước thì không thể không nói đến trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Đặc biệt, đối với những khu dân cư hình thành tự phát do xây dựng trái phép ở những vùng nguy hiểm thì trước hết phải nhắc đến trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Khánh Hòa nói: “Vì dân người ta lấn chiếm đâu phải 1-2 ngày được đâu, ít nhất cũng 3-4 tháng. Bản thân chính quyền cấp xã phải biết trước, có trách nhiệm báo cáo thành phố, thành phố báo cáo tỉnh. Các anh không làm được. Đằng này, chúng ta để xảy ra rồi, khi báo chí vào cuộc thì các đồng chí mới có ý kiến. Không lẽ, các đồng chí nói Sở Tài nguyên- Môi trường phải chịu trách nhiệm hay sao?”.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa lo ngại khi bão số 8 và số 9, không ảnh hưởng trực tiếp  tới địa phương này mà đã làm 22 người chết, 32 người bị thương, hơn 100 ngôi nhà bị đổ sập, thiệt hại lên hơn 1.000 tỷ đồng. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh giải trình cụ thể.

Ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị: “Để xảy ra xây dựng trái phép, sang nhượng đất đai trái phép như thế không thể đổ lỗi các cơ quan quản lý nhà nước. Tình hình vừa qua các đại biểu cũng rất trăn trở, có nhiều ý kiến. Mỗi chúng ta phải thấy trách nhiệm của chúng ta trước hết, chúng ta phải tự kiểm điểm trước dân với những thiếu sót để xảy ra như thế”./.