Sáng 24/9, tại Cần Thơ, Toà án nhân dân tối cao phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo về đề án thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam.           

Ý kiến của các đại biểu tại hội thảo cho rằng, Tòa gia đình và người chưa thành niên không phải là “Tòa án đặc biệt” cũng như không phải được thành lập là một hệ thống Tòa án độc lập. Đây là tòa án chuyên xét xử các vụ án và giải quyết các vụ việc có liên quan đến gia đình và người chưa thành niên xuất phát từ bản chất của các quan hệ xã hội và chủ thể của các quan hệ đặc biệt này.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên được các đại biểu khẳng định xuất phát từ những đặc thù tâm sinh lý của trẻ, người chưa thành niên cũng như từ tình hình thực tế số các vụ án về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng. Chính vì vậy, việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở nước ta là bước đi cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền dân sự, các quyền của trẻ em đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Hiện nay, ở nước ta chưa có một tổ chức hay cơ quan chuyên trách để xét xử các vụ án liên quan đến tuổi vị thành niên phạm tội và các vụ án dân sự liên quan đến lợi ích của người chưa thành niên. Do đó, đây là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Văn Độ cho biết, việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam là rất cần thiết. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, người chưa thành niên vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, có những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng. Nếu chúng ta dùng những tòa án thường để xử lý thì có những lúc sẽ có trường hợp lợi bất cập hại. Do vậy chúng ta phải có tòa chuyên trách với những thẩm phán, những người tiến hành tố tụng chuyên trách và một hệ thống tố tụng thân thiện hơn để xử lý. Chính sách của nước ta là xử lý người phạm tội vi phạm pháp luật là để giáo dục cho các em chứ không phải để trừng trị./.