Tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ cuối 2015 đến thời điểm này là gần 140.000ha và còn sẽ tiếp tục tăng cao hơn. Do vậy các tỉnh trong khu vực cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng chống một cách có hiệu quả.

han_man_1_ywff_ugdj.jpg
Sản xuất hiện nay tại ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước ngọt cho tưới tiêu

Trong tổng số diện tích lúa bị ảnh hưởng, có 86.000ha lúa bị thiệt hại nặng trên 70% năng suất. Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre là các địa phương có diện tích bị thiệt hại nặng nhất. Đến thời điểm này, đã có 6 tỉnh công bố tình trạng thiên tai.

Số liệu dự báo của Tổng cục Thủy lợi cho thấy từ tháng 3 này, các vùng cách biển từ 30-45km nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhấn mạnh, đối với vụ lúa hè thu tới – một trong 3 vụ lúa lớn nhất trong năm, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.

Ông Cao Đức Phát nói: “Đây là tình huống thiên tai nghiêm trọng. Đề nghị các cấp ủy, chính quyền các tỉnh cần quán triệt sâu sắc tới toàn bộ hệ thống chính trị về sự nghiêm trọng của thiên tai để toàn bộ hệ thống phải vào cuộc; hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện các biện pháp đối phó. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, nguồn nước, đặc biệt theo dõi sát những thông tin dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn”./.