“Dấu vết của một giấc mơ cũng thực như dấu vết của một bước chân”, đó là lời khẳng định của Thị trưởng thành phố Sainte Adresse trong buổi lễ tôn vinh sự có mặt của Bác tại thành phố này vừa tổ chức. Sainte Adresse là một thị trấn ven biển ngoại ô Le Havre – cảng chính phía Bắc nước Pháp, nơi Bác Hồ từng lần đầu tiên đặt chân đến trên đất Pháp.
Dù chỉ trong khoảng một tháng ngắn ngủi lưu lại Sainte Adresse khi con tàu La Touche- Tréville dừng chân để sửa chữa trong giai đoạn 1911-1912, người thợ phụ bếp, sau đó là người thợ làm vườn “Anh Ba”- đã để lại một sợi dây kết nối nhân văn đến kỳ lạ. Ngôi nhà ngày xưa Người từng làm vườn nay vẫn còn đó và sắp tới, một dự án nghiên cứu cụ thể sẽ được tiến hành giữa chính quyền Sainte Adresse với Việt Nam.
Danh nhân thế giới từng ghé qua Saint Adresse
Câu chuyện bất ngờ bắt đầu khi chính quyền Sainte Adresse gửi tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cuốn sách giới thiệu về thành phố. Trong đó, phần điểm lại những danh nhân đã từng ghé qua nơi này, cuốn sách dành những lời trân trọng đến “Anh Ba… Hồ Chí Minh”.
Cuốn sách viết: “Thật kỳ lạ, một trong những chủ thể quan trọng trên chính trường thế giới đã từng ghé qua SainteAdresse, khi ấy ông chỉ là một thanh niên Đông Dương ra đi vì cho rằng chế đô thực dân là không thể chấp nhận được. Là phụ bếp trên tàu La Touche – Tréville, dưới cái tên Ba, ông đã lênh đênh trên biển trong 2 năm, đi qua Boston, New York trước khi cập cảng Le Havre và làm vườn trong một gia đình quý tộc ở Sainte Adresse. Ba lúc đó khoảng 24 tuổi…”.
Thị trưởng danh dự của thành phố, nghị sỹ thuộc nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp- Việt tại Thượng viện Pháp Patrick Gélard là người cất công tìm kiếm tung tích của ngôi nhà từ lâu.
Ông Patrick Gélard nói: “Có một điều chắc chắn rằng Chủ tịch Hồ Chí đã qua Sainte Adresse. Chính xác tại ngôi nhà này hay không cần phải có nghiên cứu và kiểm chứng. Tôi từng có ý tưởng tìm lại nơi này từ lâu, nhưng bạn biết rằng lúc đó quân Pháp thất trận buộc phải rời khỏi Việt Nam, các cựu chiến binh Pháp phản ứng rất mạnh với những ý tưởng “hòa giải” như thế. Vì thế, bây giờ là lúc chúng ta tìm lại những dấu tích lịch sử như thế này để thắt chặt hơn sợi dây liên kết giữa Việt Nam và Pháp, thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta”.
Dấu vết của một giấc mơ – Sợi dây kết nối con người
Cùng các lãnh đạo thành phố đón Đại sứ và các đại biểu Việt Nam trong một buổi lễ long trọng với lá cờ Việt Nam tung bay trên tòa thị chính thành phố, Thị trưởng thành phố Sainte Adresse Hubert Dejean de la Bâtie khẳng định có mối liên hệ rất lớn giữa hai nước nói chung, giữa thành phố Sainte Adresse và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt ông, cùng thị trưởng tiền nhiệm đều lớn lên trong gia đình có gốc gác Việt Nam nên cảm nhận rất rõ mối liên hệ đó.
Ông Hubert Dejean de la Bâtie nói: “Chắc các bạn có biết một câu nói của các nhà sử học là “dấu vết của một giấc mơ cũng thực như dấu vết của một bước chân”. Tôi thực sự tin rằng khi đến Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực lòng yêu nước Pháp và ông cố tìm kiếm một mô hình vừa cho phép giành được độc lập cho Việt Nam nhưng cũng đồng thời lưu giữ được những dấu chân chung trong lịch sử giữa hai nước chúng ta”.
Sẽ có một dự án nghiên cứu
Thị trưởng Sainte Adresse khẳng định: “Ngày này sẽ đánh dấu sự bắt đầu cho mối quan hệ hữu nghị thường xuyên, phát triển và thú vị trên khía cạnh văn hóa. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiến hành được những nghiên cứu lịch sử lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh với cộng đồng các nhà khoa học của thành phố để tìm lại, từng bước một, những lưu dấu của quãng thời gian tại Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đến nay không có nhiều tư liệu ghi chép lại những ngày người thợ làm vườn “Ba” lưu lại tại Sainte Adresse. Theo cuốn “Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, câu chuyện Bác Hồ từng làm vườn trong một gia đình quý tộc tại Sainte Adresse có được nhắc đến qua lời kể của một người Việt tên Dân từng làm cùng trong gia đình đó.
Ông Dân kể lại trong cuốn sách rằng: “Anh Ba dùng thì giờ chăm bón hoa với người làm vườn hoặc giở những tờ báo có ảnh trong tủ sách ra xem. Sau khi đến được ba ngày, anh hỏi tôi: “Anh Dân, anh có biêt chữ quốc ngữ không?” Tôi hơi thẹn nhưng thành thật trả lời: “Không, tôi không biết”. Anh Ba liền giảng giải và khuyến khích tôi học… Ngày nay, tôi đọc được và viết được chính là nhờ anh Ba”.
Đưa thanh niên đi thăm lại những dấu tích của Bác
Thời gian lưu lại không nhiều, chỉ khoảng 1 tháng, sau đó, Anh Ba lại lên tàu đi tiếp; nhưng dấu chân của Người tại thành phố ven biển Sainte Adresse vẫn để lại những ấn tượng tốt đẹp và đầy tình người cho đến tận ngày nay.
Xúc động cùng các cán bộ Việt Nam đi thăm lại những dấu tích của Bác Hồ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn nói: “Đến đây, cá nhân tôi cảm nhận được những tình cảm quý mến nồng hậu của những người bạn Pháp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, với nước Việt Nam nói chung. Như thành phố Sainte Adresse rất tự hào khi nói về thời gian Bác Hồ từng sống tại đây. Sắp tới đây, Đại sứ quán và Đảng ủy sẽ tổ chức những chuyến đến thăm không những cho các cán bộ mà cả thanh niên, thế hệ trẻ, sinh viên, thanh niên trong cộng đồng người Việt tại Pháp đến thăm những nơi Bác Hồ từng sống và làm việc tại Pháp để gợi lại quá trình ra đi, phấn đấu tìm đường cứu nước của Bác cũng như truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, đó là những bài học tốt để thế hệ trẻ ngày nay noi gương Bác phấn đấu và làm việc”.
Ngày 13/5, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cùng các cán bộ ngoại giao và báo chí đã đến thăm và đặt lẵng hoa tưởng niệm tại ngôi nhà số 1, phố Admiral Courbet, Le Havre.
Theo các tư liệu ghi lại, nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành đã gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Thư cho biết đã gửi cho ông Nguyễn Sinh Huy ba ngân phiếu nhưng chỉ nhận được một lần trả lời. Thư ký tên Paul Tất Thành và kèm theo địa chỉ hòm thư tại số 1, phố Admiral Courbet, Le Havre./.