Những người làm công tác kỹ thuật phát thanh thế hệ thứ ba, thứ tư không thể quên những dấu ấn trong quá trình công tác mà ông Nguyễn Năng Viện đã để lại cho ngành phát thanh Việt Nam.
Sinh năm 1939, là sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chuyên ngành vô tuyến điện khóa 5 (1960), ông sớm giác ngộ và được kết nạp Đảng năm 1963. Ra trường, ông về công tác tại Phòng 1, Tổng Cục Bưu điện, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông. Được sự tin tưởng của ngành, năm 1965 ông được phân công làm chuyên gia giúp đỡ nước bạn Lào tại Khang Khay, tỉnh Xiêng Khoảng.
Trở về nước năm 1969, ông nhận công tác tại Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì, thuộc Cục quản lý Kỹ thuật phát thanh. Với lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao của một bí thư chi bộ, ông đã cùng anh chị em vượt qua nhiều khó khăn, ác liệt khi đài Mễ Trì bị máy bay Mỹ đánh phá năm 1972. Được cơ quan tín nhiệm, năm 1975 ông được luân chuyển bổ nhiệm làm Phó trưởng Đài phát sóng phát thanh CK2, rồi làm Trưởng Đài CK2 năm 1977.
Trong thời gian công tác tại đây, bên cạnh việc điều hành công tác chuyên môn, ông đã biên soạn và được cơ quan công nhận cho phép lưu hành cuốn 250 bài tập vô tuyến điện (năm 1976). Đây là tài liệu chuyên ngành hết sức bổ ích cho đội ngũ kỹ thuật phát thanh, là cẩm nang cho anh chị em học tập, phục vụ công tác chuyên môn hàng ngày và các kỳ thi giữ bậc, nâng bậc…. hàng năm. Đến năm 1978, chấp hành sự phân công, điều động, ông làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Đài phát sóng phát thanh VN1.
Giai đoạn 1986 đến 1993, mặc dù với cương vị là Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật phát thanh và Cục Phát thanh - Truyền hình, nhưng ông vẫn kiêm nhiệm làm Giám đốc Đài phát sóng phát thanh VN1. Từ năm 1994 đến tháng 10 năm 2000 ông mới trở về Hà Nội công tác ở vị trí Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật phát thanh, nay là Trung tâm Kỹ thuật phát thanh truyền hình, rồi nghỉ hưu theo chế độ.
Có thể nói ông là một trong số ít những cánh chim đầu đàn của ngành kỹ thuật phát thanh, là kỹ sư cao cấp chuyên ngành vô tuyến điện, để lại nhiều dấu ấn trong cách điều hành, quản lý công việc hết sức chuẩn mực và đặc biệt nghiêm túc, chính xác về mặt thời gian.
Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật do ông chủ trì đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao, tiêu biểu như: cải tiến máy phát sóng ngắn 15Kw của Hungary thành máy phát sóng trung tại CK2, thực hiện thành công việc ghép hai máy sóng ngắn để phát trên cùng 1 ăng ten tại VN1…
Với những thành tích đã đạt được, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát thanh, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong thời kỳ chiến tranh, thiếu thốn về mọi mặt, lại công tác tại các đài phát sóng ở xa, ông vẫn luôn vượt qua gian khó, là tấm gương sáng để đồng nghiệp và các thế hệ kế cận học tập, noi theo.
Nhớ về ông, nhớ những kỷ niệm của ông, các thế hệ cán bộ kỹ thuật phát thanh xin được bày tỏ sự thành kính trước vong linh ông và hứa tiếp tục duy trì, phát huy những truyền thống tốt đẹp mà ông cũng như các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng, vun đắp cho ngành kỹ thuật phát thanh. Xin vĩnh biệt ông Nguyễn Năng Viện!./.