Liên quan đến việc diện tích mặt tiền giáp phố Đặng Thái Thân và Phạm Ngũ Lão bị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản “xẻ thịt” cho thuê ki ốt để kinh doanh không đúng mục đích, rrao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Trần Phương – Chánh văn phòng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên – Môi trường), khẳng định: Diện tích đất 2 mặt phố đang kinh doanh nói trên thuộc quỹ nhà, đất số 6 Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trước đây là Cục Địa chất khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công thương) quản lý, sử dụng để làm trụ sở làm việc và được cấp GCN quyền quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, trong đó diện tích xây dựng là hơn 7.450m m2 các khu nhà hiện có và diện tích đất là gần 6.100 m2.
Theo ông Phương, nhà số 6 Đặng Thái Thân nằm trong quần thể kiến trúc cùng với Nhà hát lớn và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có tuổi đời hơn 100 năm. “Chúng tôi đang xin chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu khuôn viên số 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội. Đây là khu nhà rất có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc. Sau khi được quy hoạch tiến tới làm hồ sơ xin xếp hạng Di sản văn hóa”, ông Phương nói.
Tuy nhiên, từ trước năm 1990, Tổng Công ty phát triển khoáng sản và Tổng công ty khoáng sản quý hiếm Việt Nam, Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam là hai đơn vị được thành lập trên cơ sở từ ngành địa chất và trực thuộc Bộ Công nghiệp. Do khó khăn khi mới thành lập nên các đơn vị này đã mượn 1 số gian nhà cấp 4 ở mặt đường Đặng Thái Thân và đường Phạm Ngũ Lão để sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc.
Hiện có 5 đơn vị là Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản, Công ty cổ phần Khoáng sản 3, Công ty phần vật tư mỏ địa chất, Công ty cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội vẫn chưa bàn giao trả lại diện tích nhà đã mượn để sử làm văn phòng thuộc khuôn viên nhà số 6 Phạm Ngũ Lão cho Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản quản lý và sử dụng theo quy hoạch.
Sau khi chuyển về Bộ Tài nguyên – Môi trường, ngày 22/5/2003, Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam có văn bản số 693 đề nghị Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam trả lại phần diện tích nhà làm việc mà Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam đang sử dụng tại số 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội (Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam đã sáp nhập vào Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam) và Bộ Công nghiệp ngày 5/6/2003, có văn bản số 2421, trong đó nêu rõ: “Đề nghị Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam nhanh chóng làm thủ tục bàn giao trả lại cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam diện tích nhà Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam đang sử dụng làm văn phòng tại số 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội để Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam quản lý và sử dụng theo quy hoạch”.
Trên cơ sở đó, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (nay là Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam – TKV thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) mới bàn giao được 3 phòng làm việc, số phòng làm việc và phần diện tích nhà còn lại chưa bàn giao nốt theo chỉ đạo của Bộ Công nghiệp trước đây (nay là Bộ Công thương).
Ngày 22/6/2009, Tổng Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam tiếp tục có văn bản 1080 gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị chỉ đạo Công ty cổ phẩn khoáng sản và cơ khí mỏ thuộc TKV bàn giao phần diện tích nhà, đất đang sử dụng cho Tổng cục Địa chất; ngày 23/12/2009, Bộ TN- MT cũng đã có văn bản số 4841 gửi Bộ Công thương để nghị giải quyết việc sử dụng nhà của các đơn vị thuộc Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay các đơn vị vẫn chưa di rời bàn giao phần diện tích đã mượn cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 09/2007/QDD- TTg ngày 19/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước giao và yêu cầu của Bộ Tài chính và văn bản số1154/BTNMT-TC ngày 15/3/2017 về xử lý và báo cáo kết quả xử lý việc sử dụng các cơ sở nhà, đất cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng mục đích, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi các Bộ, ngành, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, việc thu hồi các gian nhà cấp 4 mặt đường Phạm Ngũ Lão và Đặng Thái Thân vẫn bế tắc.
Theo ông Trần Phương, bế tắc hiện nay là do 5 đơn vị trên đã cổ phần hóa một phần diện tích mượn được tính vào giá trị tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần, trong đó có đơn vị nhà nước đã thoái gần như hết vốn dẫn đến việc chỉ đạo khó có hiệu lực thi hành.
Cũng theo ông Trần Phương, trước tình hình phức tạp này, hàng chục năm chưa giải quyết xong, trải qua nhiều Bộ ngành chủ quản khác nhau, việc giải quyết liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều Bộ (Tài chính, Công thương), UBND thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp.
“Để giải quyết vấn đề phức tạp trên, Bộ TN-MT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội, các Bộ ngành liên quan phối hợp, xử lý giải quyết dứt điểm để trả lại khuôn viên trụ sở 6 Phạm Ngũ Lão cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản theo đúng qui định pháp luật”, ông Phương cho biết./.Hà Nội lên tiếng xây TTTM tại “đất vàng” công viên Thống Nhất