vov_dao_that_thon_3_uolo.jpg
Mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân khắp nơi lại đổ về làng Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội để tìm đào phai, đào bích. Còn theo các nghệ nhân tại làng hoa này, sành chơi nhất thì phải biết đến đào thất thốn. Nay cả làng, chỉ có duy nhất gia đình ông Lê Hàm (57 tuổi) có thể trồng và chăm sóc thành công loài hoa quý này.
 Đào thất thốn là loài cây vương giả, xưa được dùng để tiến vua. Giống như tên gọi, giống đào này thường chỉ cao 7 thốn (hơn 1 mét), dáng nhỏ nhắn, không to như đào thế, đào rừng, nhưng lại được coi  như “vương hậu” của các loài hoa đào, bởi vẻ đẹp tinh tế, kiêu sa mà hiếm loài đào nào có được.
Đào thất thốn mang vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính. Từ gốc đào đến các cành nhỏ đều có dáng vẻ xù xì, rêu mốc, nổi những u, những mấu. Đặc biệt, những gốc đào lâu năm mang rõ vẻ phong trần, sương gió tựa gốc tùng già. 
Hoa đào thất thốn có sắc đỏ thẫm tựa màu hoa trà, màu tiết dê. 
Cánh đào thất thốn dày, mỗi lớp hoa có 7 cánh.
Theo nghệ nhân Lê Hàm, người từng có hơn 20 năm gắn bó với giống đào này, xưa, đào thất thốn chỉ nở vào dịp sau Tết, bởi vậy mà ít người đủ kiên nhẫn chờ đợi để ngắm đào. Mỗi cây lại chỉ nở từ 10-20 bông là cùng, nên đào quý, lại càng hiếm hơn. 
Tại nhà nghệ nhân Lê Hàm, đào thất thốn được đưa vào các phòng kín, lắp đặt điều hòa và đèn điện để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.
Nghệ nhân Hàm cho biết, dù mới đầu tháng Chạp, nhưng một nửa số đào thất thốn trong vườn đã có người đặt thuê.  Giá cho thuê mỗi gốc cũng cả chục triệu đồng. 
Đào được vận chuyển vào phòng kín nằm điều hòa.

Các phòng đều được trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ và đèn điện đặt ở chế độ phù hợp với cây đào thất thốn.