Tại một cuộc họp đóng góp ý kiến cho Đề cương Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) xây dựng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định, chăm lo, phát triển dạy nghề là trách nhiệm của toàn Đảng, Nhà nước; của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Những chuyển biến…
Điều đầu tiên cần khẳng định, từ các quốc gia phát triển đến những nước đang phát triển, nhu cầu về lao động có nghề là rất lớn. Vì vậy, mỗi quốc gia phải hình thành nên hệ thống đào tạo nghề thích hợp để đáp ứng nhu cầu đó. Công tác dạy nghề còn hướng đến mục đích quan trọng hơn: phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Hiện nay, đào tạo nghề ở Việt Nam chưa theo sát thực tế (Ảnh:itt.edu) |
Việt Nam đặt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Điều đó đòi hỏi chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có công tác dạy nghề cần được đặt lên hàng đầu để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thực tế trong những năm qua, công tác dạy nghề đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Biểu hiện ở chỗ, số lượng trường, cơ sở dạy nghề không ngừng tăng lên; đội ngũ giáo viên dần được kiện toàn và nâng cao; việc tuyên truyền đã tác động tích cực đến suy nghĩ của người dân về việc học nghề.
Theo số liệu từ Tổng cục Dạy nghề, riêng năm 2009, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh được hơn 1,7 triệu người, đạt 104% so với kế hoạch, tăng 11,2% so với thực hiện năm 2008. Trong đó, Cao đẳng nghề (CĐN) đạt 89.000 người, Trung cấp nghề (TCN) được hơn 198.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng tuyển sinh 1,42 triệu người.
Thực hiện kiếm soát chất lượng dạy nghề, Tổng cục cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho 114 trường, trong đó có 87 trường CĐN và 27 trường đại học, cao đẳng có tham gia dạy nghề. Tổng số nghề được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trình độ TCN và CĐN là 145 nghề, trong đó có 80 ngề trình độ cao đẳng, 113 nghề trình độ trung cấp.
Trong năm 2009, công tác kiểm định chất lượng dạy nghề cũng đã được chú trọng khi số trường được kiểm định tăng lên con số 20 trường CĐN và TCN.
Tổng cục triển khai xây dựng 85 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, trong đó 10 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong lĩnh vực xây dựng. Tổ chức biên soạn ngân hàng câu hỏi lý thuyết và bài thi thực hành đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Từ năm 2006 đến nay đã hoàn thành xây dựng 164 chương trình khung trình độ CĐN và TCN, trong đó 114 chương trình khung đã được ban hành, 50 chương trình khung đã được tổ chức thẩm định.
Hiện cả nước có 21.630 giáo viên tại trường CĐN, TCN và trung tâm dạy nghề. So với năm 2008, con số này tăng hơn 1.400 giáo viên. Riêng giáo viên trong các trường CĐN tăng 3.650.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, công tác đào tạo nghề vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một phần vì chúng ta có xuất phát điểm thấp, do đó cần có sự bứt phá trong thời gian tới.
Đòi hỏi từ thực tế
Ông Nguyễn Tiến Dũng cũng khẳng định, trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể là từ 2011-2020, nếu chúng ta không có sự đột phá về đào tạo nghề thì nhất định sẽ thua, vì trình độ tay nghề và số lượng công nhân chất lượng cao của một số nước trong khu vực không ngừng tăng cao. Đây là một nhiệm vụ khó khăn song phải đạt được.
Ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tạo bước đột phá trong dạy nghề |
Đề cương Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 do Bộ LĐ-TB-XH xây dựng đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới; tăng quy mô đào tạo nghề; gắn kết dạy nghề với doanh nghiệp…
Theo đó, hơn 41.000 tỷ đồng sẽ được chi để hướng tới mục tiêu dạy nghề cho 24,58 triệu người, trong đó đào tạo trình độ TCN, CĐN và kỹ sư thực hành là 5,815 triệu người. Qua đó, đả bảo đảm vào năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%.
Đến năm 2020, cả nước có 230 trường CĐN và 310 trường TCN. Giai đoạn 2009-2020 đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề cho 40.000 người để thành giáo viên dạy nghề. Đến năm 2020, 100% trường đào tạo TCN, CĐN được ban hành khung chương trình; 90% trường CĐN, trường TCN, 70% trung tâm dạy nghề và 70% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng...
Về Đề án Dạy nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, ông Dũng cho rằng, Dự án thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ tới nông dân nói riêng và chiến lược dạy nghề nói chung. Bởi lẽ, giải quyết tốt vấn đề đào tạo nghề và tạo việc làm có thu nhập ổn định cho người nông dân cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã tháo gỡ một nút thắt quan trọng trong vấn đề an sinh xã hội. Đây được coi là bước đệm để phát triển công tác đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, đột phá trước tiên phải thể hiện ở chất lượng, tức sinh viên sau khi tốt nghiệp được thị trường chấp nhận. Muốn thực hiện được điều đó, trước hết phải đổi mới cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, theo ông Dũng, ngoài sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự tham gia của doanh nghiệp và tính chủ động của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Vì thực tế ở Việt Nam hiện nay đào tạo nghề còn chưa theo sát thực tế và kém xa so với khu vực; chất lượng trường nghề chưa đồng nhất, nhiều trường còn kém chất lượng nhưng vẫn tồn tại; giữa nhà trường và doanh nghiệp còn chưa tìm được tiếng nói chung…
Thực tế cho thấy, nơi nào có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, chất lượng và tỉ lệ có người việc làm sau khi tốt nghiệp là khá cao, thậm chí người được đào tạo khi ra trường luôn “cháy hàng”.
Do đó, trước tiên chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá được những tồn tại và đưa ra những giải pháp tốt hơn trong đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước./.