Số lượng bệnh nhân đến Đà Nẵng chữa bệnh liên tục tăng cao trong những năm gần đây đã phần nào khẳng định chất lượng, uy tín của ngành Y tế thành phố. Tuy nhiên, tình trạng vượt tuyến chữa bệnh cũng đã làm gia tăng tình trạng quá tải, gây áp lực cho một số bệnh viện ở thành phố này.
Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã lên kế hoạch giảm tải bệnh viện đến năm 2030 với mục tiêu khắc phục tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm nay tại các cơ sở y tế.
Bệnh viện tại Đà Nẵng luôn quá tải |
Sống ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi nhưng mỗi lần bị ốm hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Nga đều ra Đà Nẵng khám chữa bệnh. Bà Nga cho biết, ở Quảng Ngãi có hẳn một đội xe chuyên phục vụ người dân ra Đà Nẵng khám bệnh, chỉ cần một cuộc điện thoại là xe đến tận nhà chở đi, đến chiều lại đón về, rất thuận tiện.
Bà Thúy Nga chia sẻ, bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng ngày càng đông, bây giờ ra phải chờ, đợi. Mỗi lần đi là mỗi lần tốn tiền mà vẫn phải đi, nhưng đi cho yên tâm hơn. Ở Quảng Ngãi ra Đà Nẵng nhiều, mỗi chuyến 50 – 60 người đi khám bệnh.
Số lượng bệnh nhân từ các tỉnh lân cận đổ về Đà Nẵng khám chữa bệnh ngày càng đông khiến tình trạng quá tải ở Bệnh viện Đà Nẵng ngày càng tăng… Những năm gần đây, bệnh viện này đã triển khai 1 số biện pháp giảm tải như: kê thêm giường, mở rộng khu khám bệnh, thực hiện quy trình liên thông, khám ngoài giờ, rút ngắn quy trình khám bệnh và trả kết quả liên tục…
Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép chưa chấm dứt, nhất là vào những thời điểm dịch bệnh gia tăng như hiện nay. Tương tự, tại bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, số bệnh nhân các địa phương khác đến khám liên tục tăng cao, bình quân mỗi năm tăng khoảng 25%; điều trị nội trú tăng 12%. Để giảm tình trạng quá tải, bệnh viện đã rút gọn tối đa phòng làm việc, đồng thời nâng công suất giường bệnh lên gấp đôi.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Út, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, quy mô giường bệnh ngày đầu thành lập năm 2015 chỉ 500 giường, đến năm 2016 nâng lên 550 giường, năm 2017 tăng lên 600 giường nhưng vẫn không tránh được quá tải. Để đáp ứng yêu cầu khám, điều trị tăng cao, hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép, bệnh viện đã tận dụng khu làm việc, kê lên gần 900 giường bệnh nhưng công suất sử dụng giường bệnh hiện vẫn hơn 110%.
Bác sĩ Nguyễn Út cho biết thêm, bệnh nhân thành phố Đà Nẵng đến khám và điều trị tại bệnh viện này chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là của 48 tỉnh, thành khác trong cả nước.
“Một trong những giải pháp cần phải đột phá để giảm tải bệnh viện là làm thế nào để bệnh nhân đến được giải quyết nhanh, không phải chờ đợi nhiều và không nằm đôi, nằm 3. Từ những vẫn đề thực tế đó, chúng tôi thấy rằng cần phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt tới đây, chúng tôi cũng triển khai đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân ung thư”, bác sĩ Nguyễn Út nói.
Bệnh viện Đà Nẵng là nơi tập trung nhiều bệnh nhân từ các tỉnh khác về điều trị |
Trước tình trạng quá tải kéo dài tại một số bệnh viện, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch giảm tải với các giải pháp như: giảm công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện; giảm số lượng bệnh nhân khám cho mỗi bác sĩ xuống còn 35 người bệnh/ ngày; khuyến khích phát triển cơ sở y tế ngoài công lập; cân đối giữa điều trị và dự phòng…
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị, trước tình trạng bệnh nhân ngoại tỉnh tăng cao như hiện nay, ngành Y tế phải dự lường nhu cầu bệnh nhân các tỉnh trong khu vực đến khám và điều trị, từ đó mới lên kế hoạch giảm tải chính xác.
Theo đó, để giảm tải hiệu quả, ngành Y tế sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp. Đó là, đầu tư cơ sở vật chất trên cơ sở quy hoạch lại mạng lưới y tế hoàn chỉnh; giải pháp về chuyên môn gồm: liên thông thí nghiệm, thống nhất phác đồ điều trị, xây dựng bệnh viện vệ tinh; đẩy mạnh y học dự phòng, đẩy mạnh khối điều trị; Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế.
Ông Đặng Việt Dũng mong muốn các bệnh viện trên địa bàn thành phố cần có sự phối hợp giải quyết tình trạng này.
“Chiến dịch giảm tải này phải tổng thể, kể cả bệnh viện tư, bệnh viện Trung ương cũng phải tham gia vào đây. Như vậy thì chúng ta sẽ phát huy được cả lực lượng của đội ngũ y bác sĩ bên ngoài, trang thiết bị phía bên ngoài, và quan trọng nhất là huy động được nguồn vốn đầu tư”, ông Việt Dũng cho biết.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định ban hành kế hoạch giảm quá tải bệnh viện đến năm 2025. Mục tiêu đặt ra làm giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện hạng 1 gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi và Bệnh viện Ung bướu; phấn đấu đến năm 2020 công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đạt 99% và đến năm 2025 là 95%. Đồng thời giảm số lượng bệnh nhân khám cho mỗi bác sĩ, cán bộ y tế, phấn đấu đến năm 2025, mỗi bác sĩ chỉ khám từ 25 đến 30 người bệnh mỗi ngày làm việc; Không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường; Đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ y tế phù hợp với đặc điểm cung cấp dịch vụ của từng đơn vị và theo phân tuyến kỹ thuật.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025 có thể liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước; tăng số lượng kỹ thuật y tế chuyên sâu được thực hiện thành công tại các bênh viện của toàn ngành; từng bước triển khai mô hình bác sĩ gia đình để đến năm 2025 sẽ triển khai trên địa bàn toàn thành phố.
Hy vọng với những giải pháp cụ thể cùng với ý chí mạnh mẽ từ lãnh đạo địa phương, các cơ quan chuyên môn và đội ngũ y bác sĩ, thành phố Đà Nẵng sẽ giải quyết êm xuôi bài toán giảm tải bệnh viện./.