Tỉnh Quảng Ngãi hiện còn hàng trăm lò gạch thủ công hoạt động tại các khu dân cư. Hàng chục năm nay, ông Nguyễn Văn Tiên, ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa sống chung với khói bụi nghi ngút từ 3 lò gạch thủ công gần nhà. Những ngày đốt lò, gia đình ông phải đóng kín cửa, thậm chí nhiều lúc rời khỏi nhà vì không chịu nỗi khói bụi bay ra từ các lò gạch này.

Ông Tiên bức xúc: “Những ngày đót lò, chúng tôi phải ra khỏi nhà, nếu gió bấc mà nó thổi qua rất độc hại, không thở được”.

lo_gach_wyao.jpg
Tại thành phố Quảng Ngãi hiện vẫn còn 23 lò gạch thủ công đang hoạt động (ảnh minh họa, nguồn: KT)
Tại trường Tiểu học Nghĩa Mỹ, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, lò nung gạch cách trường học chưa đầy 30 m. Hàng ngày khói bụi từ các lò gạch bủa vây trường học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng trăm học sinh, giáo viên trong trường.

Cô Phạm Thị Xuân Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Mỹ lo lắng: “Mỗi khi đốt lò gạch, khói bay vào trường nghi ngút, mùi than đá bốc lên rất khó thở. Thầy, cô giáo dạy cũng khó, học sinh nhiều em mệt, nhiều em phải cúi xuống bàn nghỉ ngơi”.

Tại thành phố Quảng Ngãi hiện vẫn còn 23 lò gạch thủ công đang hoạt động. Điều đáng lo ngại là các lò gạch thủ công hoạt động tại những địa bàn dân cư đông đúc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các chủ lò gạch ngang nhiên hoạt động mà không có bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền địa phương.

Ông Trần Quang Viễn, chủ một lò gạch thủ công ở tổ 4, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi cho biết: “Nếu nhà nước cấm chúng tôi nghỉ. Chúng tôi chỉ mong muốn có nghề nào để hỗ trợ khi không làm lò gạch nữa”.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có lộ trình hạn chế, tiến tới chấm dứt sản xuất gạch thủ công. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 243 lò gạch thủ công, trong đó huyện Tư Nghĩa chiếm khoảng 70% tổng số lò gạch. Các lò gạch nằm giữa khu dân cư, trường  học gây ô nhiễm môi  trường sống và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Việc gây ô nhiễm môi trường của lò gạch thủ công thực tế là có. Các lò gạch thủ công nằm trong khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước. Vì nguyên liệu là than nên ô nhiêm không khí. Mặc dù người dân cũng có ý kiến nhưng việc muốn xóa bỏ phải có thời gian và quan trọng là cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước để vận động bà con thực hiện chuyển đổi”.

Xóa bỏ lò gạch thủ công trong khu dân cư, nhất là những nơi có nhiều hộ dân sinh sống là việc làm cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó, để đảm bảo sinh kế cho những người sống dựa vào những lò gạch này, tỉnh Quảng Ngãi cũng cần quy hoạch lại làng nghề, chuyển đổi nghề nghiệp và có những chính sách hỗ trợ kịp thời. Có như vậy mới có thể xóa bỏ hết lò gạch thủ công, trả lại môi trường sống yên lành cho người dân./.