Chung cư chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy mà vẫn bàn giao nhà, đưa người dân vào ở là trái với quy định pháp luật, thế nhưng tình trạng này lại đang diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội.

Hiện nay, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, lại thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan có trách nhiệm, nên nhiều chủ đầu tư đã ngang nhiên coi thường pháp luật, cứ bàn giao nhà trước để thu tiền, còn việc nghiệm thu sẽ tính sau.

chung_cu_trang_an_complex_odpe.jpg
Dự án Tràng An Complex tại số 1 Phùng Chí Kiên (ảnh: Internet)
Điều này dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, và hậu quả là hàng nghìn người dân phải sống trong cảnh nơm nớp lo lắng nếu chẳng may có cháy nổ xảy ra.

Nhận được thông báo nhận bàn giao nhà từ tháng 12/2016, khách hàng mua nhà tại dự án Tràng An Complex tại số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy rất phấn khởi vì chủ đầu tư bàn giao vượt tiến độ 3 tháng.

Nhưng khi về ở, cư dân phát hiện ra công trình này chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, khu vực sảnh chờ thang máy bị làm sai so với thiết kế ban đầu. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư dầu khí toàn cầu GP – Invest đã tự ý xây bức tường ngăn tại sảnh tầng 1, khiến khu vực này quá chật chội so với quy mô của 1 chung cư cao tầng. Tại đây, chỉ khoảng chục người đứng là đã chật, chưa nói gì đến khi có cháy nổ xảy ra, hàng trăm người cùng chạy xuống khu vực này.

Lý giải điều này, chủ đầu tư nói họ phải xây bức tường theo yêu cầu của cơ quan phòng cháy, chữa cháy, nhưng người dân được biết là chính cơ quan phòng cháy chữa cháy lại phủ nhận điều này. Vì vậy, mới chỉ dọn về ở, nhưng nhiều khách hàng đã quá thất vọng với một dự án chung cư mang tiếng là cao cấp của một chủ đầu tư uy tín.

Trên địa bàn Hà Nội, tình trạng công trình chung cư cao tầng đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy khá phổ biến. Chẳng hạn mới đây, chủ đầu tư Vinaconex 2 đã bàn giao nhà cho người dân tại tòa C thuộc dự án - Golden Silk, Kim Văn, Kim Lũ (quận Hoàng Mai) khi công trình chưa hoàn thiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng chưa được cơ quan chức năng kiểm định, cấp phép… Không chỉ những chung cư mới xây dựng, mà nhiều công trình đã đưa vào hoạt động nhiều năm vẫn chưa nghiệm thu, không đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội thừa nhận, trên địa bàn thành phố có không ít công trình chung cư cao tầng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng, đây là 1 chuyên đề rất “nóng”.

Nói về trách nhiệm khi để tồn tại tình trạng trên, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết:  “Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, sau đó là chính quyền các cấp tại địa bàn. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo quy định 1 năm chỉ được 4 lần xuống kiểm tra cho nên chúng tôi cũng không thể nào thường xuyên được. Vì vậy, trách nhiệm lớn nhất vẫn là chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương”

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, đối với những công trình này, đơn vị đã mời các chủ đầu tư lên làm việc, thống nhất phương án xử lý, hướng dẫn giải pháp khắc phục. Riêng đối với hàng loạt công trình chưa đảm bảo đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy của đơn vị chủ quản là doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành nghiệm thu đầy đủ tại tất cả các công trình trên địa bàn Hà Nội trước 30/5 tới, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm.

Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, ở đây cũng có trách nhiệm của chính cơ quan có nhiệm vụ tổ chức nghiệm thu các công trình nhà cao tầng.

“Các quy định của pháp luật hiện nay khá đầy đủ trong việc này, từ lúc bắt đầu khởi công xây dựng công trình cho đến quá trình xây dựng sao để đảm bảo về chất lượng, tiện nghi, hạ tầng…, đặc biệt là bước nghiệm thu. Trong quá trình nghiệm thu, không phải cái nào chúng tôi cũng nghiệm thu cho chủ đầu tư, nếu họ chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ”- ông Chiến lưu ý.

Sự buông lỏng quản lý, tình trạng “cho nợ” nghiệm thu rồi trả sau sẽ khiến các chủ đầu tư phớt lờ, dần trở thành “nhờn luật”. Hơn nữa, mức xử phạt hành chính chỉ từ vài chục triệu đồng cho đến tối đa 200 triệu đồng đối với các chủ đầu tư nhà chung cư vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy là quá nhẹ, chẳng thấm vào đâu, dẫn đến chủ đầu tư biết sai nhưng vẫn vô tư bàn giao nhà cho người dân vào ở.

Từ đó tạo ra “tiền lệ” xấu, quan trọng hơn là gia tăng nguy cơ mất an toàn cháy nổ, đe dọa tính mạng của hàng nghìn người dân ở các chung cư này./.