Mỗi ngày, ông Trần Trọng Thành ở thôn Bình Long, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh phải qua lại cầu Bình Long để đưa cháu đến trường học. Hiện nay, cầu Bình Long bị sụt lún, nhiều vị trí tiếp giáp giữa 2 nhịp cầu hở ra từ 5cm đến 15cm rất nguy hiểm. Mỗi lần đi qua cầu này, ông Thành rất lo sợ cầu gãy sập.
Ông Nguyễn Trọng Thành cho biết, cử tri xã Canh Vinh đã kiến nghị sửa chữa cầu nhưng chờ mãi chưa thấy gì: “Trời nắng chứ trời mưa không dám đi. Nhịp cầu hở ra khoảng cách 6 phần lớn, khi đi qua bánh xe dễ kẹt ở giữa. Toàn dân 2 bên cầu đều mong qua lại được an toàn".
Cầu Bình Long bắc qua sông Hà Thanh xây dựng năm 2002, hàng trăm hộ dân ở xã Canh Vinh qua lại mỗi ngày. Từ năm 2020, cầu Bình Long bị hư hỏng, sụt lún nghiêm trọng. Hiện nay, cầu Bình Long bị sụt lún 5 nhịp cầu, nhiều vị trí lan can hai bên có hiện tượng đứt gãy. UBND xã Canh Vinh đã rào chắn 2 đầu cầu, cấm các phương tiện qua lại. Thế nhưng, nhiều người dân đã phá rào để tiếp tục lưu thông, bất chấp nguy hiểm. Nhiều người bị té ngã trên cầu Bình Long.
Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết: “UBND huyện Vân Canh có Tờ trình đề xuất UBND tỉnh. Năm 2021, UBND tỉnh Bình Định có văn bản giao lại cho huyện Vân Canh tiếp tục rà soát có hướng đề xuất. Kinh phí sửa chữa cầu Bình Long dự kiến khoảng 8,5 tỷ đồng, kinh phí này quá lớn nên phải làm đề xuất với tỉnh. Đồng thời, Nghị quyết Hội đồng Nhân dân huyện cũng đưa vào danh mục khắc phục công trình cầu Bình Long giai đoạn trung hạn 2021-2025'.
Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Định đã đề nghị huyện Vân Canh nên cân đối nguồn ngân sách của địa phương, lồng ghép với các dự án, nguồn vốn hợp pháp khác hoặc nghiên cứu sử dụng cơ chế hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh để lập dự án đầu tư sữa chữa cầu Bình Long theo quy định. Trường hợp, nguồn kinh phí đầu tư vượt khả năng cân đối của địa phương thì có văn bản báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.
Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tỉnh Bình Định cho biết: “Cầu Bình Long theo phân cấp quản lý đường cầu, giao thông nông thôn thì thuộc cấp huyện quản lý và đầu tư, hư hỏng phải sửa chữa để đảm bảo giao thông. UBND huyện Vân Canh phải sửa chữa hoặc lập dự án đầu tư theo quy định. Trường hợp kinh phí lớn, báo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ. Ví dụ, có sự cố khi người dân qua cầu đó, ai quản lý thì người đó chịu trách nhiệm. Còn phương án không làm cầu ở đó nhưng làm cầu phía đông nối từ cầu Canh Vinh về xóm đó là xong, rẻ hơn kinh phí để làm cầu mới"./.