Tu chỉnh Hiến chương GHPGVN là nội dung quan trọng của đại hội IX, nhằm xây dựng kỷ cương, hoạt động của GHPGVN một cách cụ thể, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Giáo hội, làm cơ sở để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại đại hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN trình bày nội dung, cơ cấu của Hiến chương GHPGVN sửa đổi. Dưới sự điều hành của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS biểu quyết thông qua Hiến chương sửa đổi.
Một số nội dung chính được nêu trong Hiến chương: Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống tổ chức GHPGVN; Kiện toàn tổ chức và cụ thể hóa vai trò lãnh đạo tối cao của Hội đồng Chứng minh; Bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự cấp tỉnh trong việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc; Bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự trong việc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc; Quy định rõ tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và của thành viên GHPGVN; Quy định về việc thành lập Ban khen thưởng – kỷ luật ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Quy định mức khen thưởng tuyên dương công đức cao bằng biểu tượng là “Tuyên dương công đức Phật Hoàng Trúc Lâm”.
Trong chương trình đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Chư tôn đức đại diện các Ban, Viện Trung ương Giáo hội nêu nhiều vấn đề, đưa ra giải pháp để phát huy tốt hơn các hoạt động của Trung ương Giáo hội. Cụ thể như tham luận đề xuất giải pháp cho công tác thông tin truyền thông Phật giáo; Truyền thông xã hội và chuyển đổi số trong sứ mệnh xiển dương Phật giáo thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0; Những thuận lợi và khó khăn trong hoằng pháp tại vùng nông thôn; Giáo dục ni giới trẻ thời hiện đại; Kỷ cương để hoàn thiện bản thân là nền tảng của sự ổn định và phát triển Giáo hội…
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin truyền thông đề xuất các giải pháp cho công tác truyền thông của Giáo hội: “Giáo hội cần có mô hình báo chí chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng tự phát, hoạt động thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp giữa các đầu mối thực hiện truyền thông Phật giáo như thực trạng đang diễn ra; cần có bộ phận biên tập truyền thông am hiểu nội dung Phật giáo, có trình độ về chuyên ngành truyền thông, xây dựng và tuyển lựa những tác phẩm truyền thông một cách có định hướng, có tiêu chí cụ thể; Ngăn chặn và loại bỏ tình trạng “trăm hoa đua nở”, đăng tải nội dung tự phát, tự tác nhưng lại mang danh Phật giáo, mang danh Giáo hội…”.
Tham luận của các Ban Trị sự tỉnh, thành, hội Phật giáo phản ánh thực tiễn, thành tựu đã đạt được và đề xuất giải pháp cho công tác từ thiện, an sinh xã hội; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo; các hoạt động Phật sự hướng dẫn nhân dân, Phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”; công tác đối ngoại Phật giáo, chăm lo đời sống tinh thần của người Việt ở xa Tổ quốc; hoạt động Phật sự của Hội Phật tử Việt Nam tại Séc, châu Âu, Hoa Kỳ... Các ý kiến tham luận cho thấy sinh hoạt Phật giáo đem tới những thay đổi tích cực về nhận thức, lối sống của nhân dân, Phật tử thông qua việc điều chỉnh hành vi xã hội, đóng góp quan trọng trong việc tạo lập một cộng đồng xã hội hướng thiện./.