Trong lúc vấn đề đất đai, khoáng sản đang trở thành điểm nóng dư luận, thì tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp lợi dụng giấy phép thăm dò khoáng sản do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cấp, khai thác đất sét vô tội vạ để bán cho các lò gạch tuy-nen.
Nhiều vùng đất bị cày xới nham nhở, ruộng vườn tan hoang. Người dân bị mất đất sản xuất, trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn “bình chân như vại”.
Người dân treo biển cấm xe chở đất chạy qua |
Đến thôn An Châu, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang vào những ngày này, đâu đâu, cũng nghe người ta bàn tán chuyện bán đất. Người có nhiều đất ruộng thì bán năm, bảy sào, người ít ruộng thì bán vài sào. Mỗi sào đất, doanh nghiệp mua với giá từ 40 đến 50 triệu đồng, không ít gia đình ẵm trong tay ba, bốn trăm triệu.
Ông Lê Văn Toàn ở xã Hòa Phú có vài sào đất định để dành cho con, nhưng thấy người ta đổi đời nhờ bán đất nên cũng háo hức. Ông cho biết, người dân bán thì mình cũng bán.
Nông dân bán ruộng đất, khác nào tự trói chân tây mình, nhiều người ý thức rất rõ điều này nhưng vì cái lợi trước mắt nên bán kiếm tiền. Đã có gần 20 hộ dân của thôn An Châu, xã Hòa Phú bán đất cho doanh nghiệp, với diện tích hàng chục ha.
Khu vực Bàu Tong với diện tích 21ha, là nơi sản xuất chính của hàng trăm hộ dân thôn An Châu nay đã bị cày xới tan tành. Mua đứt, bán đoạn, nhiều người ký vào đơn bán đất mà không kèm theo điều khoản qui định thời hạn sử dụng đất của doanh nghiệp.
Anh Lê Nguyễn Phan Bổn, Trưởng thôn An Châu, xã Hòa Phú cho biết, khi bán đất trong tay có vài chục triệu, nhưng về lâu dài người dân chẳng biết lấy gì kiếm sống. Thấy người này bán thì người kia cũng bán.
Khu vực Bàu Tong |
Khu vực Bàu Tong, thôn An Châu, xã Hòa Phú hiện có 4 doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản. Trong đó, 1 doanh nghiệp được cấp phép khai thác từ năm 2004. Các doanh nghiệp còn lại chỉ được phép thăm dò, thậm chí có doanh nghiệp thành phố mới đồng ý chủ trương liền đưa xe ủi, xe múc đến khu vực Bàu Tong, tự nguyện đứng ra mua đất của dân để khai thác đất bán kiếm lời.
Khu vực Bàu Tong giờ đây được chia thành nhiều lãnh địa, các doanh nghiệp hành xử với nhau theo kiểu giang hồ. Nạn gây gổ, đánh đập nhau xảy ra như cơm bữa nhưng chính quyền thôn, xã đành bó tay.
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang cho rằng, trước thời điểm tháng 6 năm nay, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn được triển khai thường xuyên, nhưng kể từ khi thành phố đồng ý cho một số doanh nghiệp thăm dò, khai thác trên địa bàn việc quản lý trở nên phức tạp hơn.
Chính quyền huyện Hòa Vang cũng đã nghĩ đến giải pháp biến những ao trũng được tạo ra từ việc khai thác đất sét thành các ao nuôi cá. Nhưng có lẽ đây chỉ là cách “hợp thức hóa” cho sự đã rồi, bởi từ bao đời nay, chưa ai nuôi cá ở khu vực quanh năm hạn hán như vùng Bàu Tong, xã Hòa Phú./.