Thành phố Đà Nẵng có hàng ngàn tuyến phố và nhiều con hẻm nhỏ. 2 năm trước, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định về quản lý, sử dụng tạm thời vỉa hè nhằm cân bằng lợi ích giữa người buôn bán vỉa hè và mở lối cho người đi bộ. Các đợt ra quân rầm rộ đã được triển khai nhưng rồi đâu lại vào đó. Những ngày qua, thành phố lại mở đợt ra quân “ đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ, với hy vọng sẽ không còn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè như những lần ra quân trước.

via_he_ilfs.jpg
Một tuyến đường bị lấn chiếm.

Trong đợt ra quân lần này, Đội Quy tắc đô thị quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng huy động 50 cán bộ, nhân viên phối hợp với các lực lượng công an, dân phòng tiến hành xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè trái phép. Trước hết, các ngành chức năng ở quận chọn một số tuyến phố được xem là “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán như Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Hùng Vương… để ra quân.

Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội Quy tắc đô thị quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, sau khi có quy định của Chủ tịch UBND quận, đơn vị tiến hành khảo sát tình trạng buôn bán vỉa hè để biết được thời gian các hộ sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Sau đó thông báo với các phường để thông tin lại với người dân về thời gian, địa điểm mà ngành chức năng ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè,... đồng thời yêu cầu các hộ tự giác di chuyển địa điểm buôn bán.

Ông Huỳnh Văn Rân cho biết: “Để giảm việc va chạm không đáng có với người dân, lực lượng chúng tôi tới ngày ra quân, ví dụ tuyến đường đó 5 giờ sáng họ buôn bán thì lực lượng kiểm tra quy tắc và các lực lượng chức năng phải ra trước 4h30 sáng. Để khi có lực lượng ở đó, người dân biết lực lượng chức năng đã làm rồi thì họ không có bày bán ra trên vỉa hè nữa”.

Năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 55 về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè. Trong đó, quy định chừa lối đi cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5 mét đến 3 mét tùy theo từng bề rộng của các tuyến đường. Nhưng thực tế cho thấy, những vạch kẻ này chỉ có tác dụng khi có các lực lượng chức năng có mặt.

Ông Phạm Công Lương, người dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, vỉa hè lâu nay gắn liền với cuộc sống mưu sinh của hàng ngàng người, cần phải có cách làm triệt để và bền vững: “Ví dụ như lâu nay vẫn có kẻ vạch đường để người dân buôn bán, nhưng họ vẫn lấn ra. Vậy nây giờ giữa phạt và tuyên truyền như thế nào để người dân tự giác là quan trọng. Chứ không thể chính quyền và các ngành chức năng đứng suốt ngày được. Mà đây là việc làm sâu gốc, bền rễ ở người dân. Vừa mang tính chất phạt răn đe nhưng phải làm sâu đến tổ dân phố, xuống từng người một để họ tự giác trả lại vỉa hè một cách chính đáng. Để người dân cũng có chỗ buôn bán làm ăn, có thu nhập nhưng vỉa hè cũng được trả lại cho người đi bộ”.

Cùng với việc áp dụng các hình thức xử phạt từ 750.000 đồng đến 10 triệu đồng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các phường bố trí, sắp xếp vị trí thuận tiện để người dân buôn bán. Để người dân không tái lấn chiếm vỉa hè, sau khi ra quân, lực lượng chức năng quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng tiếp tục cử người đứng chốt từ 1 tháng trở lên tại những địa điểm mà hộ kinh doanh buôn bán lâu ngày. Khi đó, người dân không còn tư tưởng sẽ trở lại vị trí buôn bán cũ.

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng khẳng định: “ Quận làm tới đâu bàn giao cho phường tới đó. Có ký văn bản bàn giao và phường đó phải chịu trách nhiệm giữ vỉa hè, giữ đô thị cho văn minh, hiện đại. Chứ để người dân lấn chiếm là chủ tịch phường đó phải chịu trách nhiệm với chủ tịch quận”./.