Sau gần 1 tuần đi vào hoạt động, Khu cách ly tập trung Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên, Cơ sở 2-Bộ Công an, đóng tại Km6, Phường Tân Hòa, Tp Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận và cách ly trên 300 trường hợp.
Tại đây, với sự chăm sóc chu đáo của các y, bác sỹ và sự phục vụ tận tình của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát Cơ động, những người cách ly tại đây vẫn giữ được tinh thần lạc quan và niềm tin vào cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.
Trở về Đắk Lắk sau chuyến du lịch tại Đà Nẵng trong thời điểm Đà Nẵng đang có nhiều ca nhiễm Covid-19, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, ở xã Cư Kpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã đến trung tâm y tế huyện khai báo y tế và tự giác cách ly tại nhà.
Tuy nhiên, khi biết thông tin về ca bệnh 448 đi từ Đà Nẵng về thành phố Buôn Ma Thuột trên chuyến xe của nhà xe Quốc Trung, cùng chuyến xe với mình, chị Linh đã nhanh chóng khai báo và được đưa vào cách ly tại Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên. Trong 6 ngày ở đây, hai mẹ con được các y bác sỹ thăm khám, chăm sóc tận tình nên rất yên tâm.
“Vì đi cùng chuyến xe nên cả mẹ cả con phải vào cách ly, vào đây cũng được mọi người quan tâm chăm sóc, thăm khám sức khỏe thường xuyên, sinh hoạt ở đây thoải mái, ăn uống đầy đủ”- Chị Linh nói.
Cũng như chị Linh, sau 5 ngày cách ly tại Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, 3 mẹ con chị Huỳnh Thị Huệ, ở Sơn Lộc 3, xã Cư Bao, Thị xã Buôn Hồ trở về từ vùng dịch Đà Nẵng đã quen dần với cuộc sống nơi đây.
Hằng ngày, chị và các con được các y, bác sỹ đo thân nhiệt, thăm khám sức khỏe, tuyên truyền cách phòng chống dịch, được hỗ trợ 3 bữa ăn và các vật dụng sinh hoạt, nhu yếu phẩm cần thiết nên chị yên tâm cách ly để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
“Tôi thấy ở đây các y bác sĩ phục vụ rất tốt, đồ ăn thức uống đảm bảo. Tôi có 2 con nhỏ thì tôi cũng lo lắng về đồ ăn thức uống nhưng mà thức ăn ở đây cũng đa dạng, con của tôi ăn cũng ngon miệng nên yên tâm”- Chị Huệ chia sẻ.
Không chỉ mẹ con chị Linh, chị Huệ mà hầu hết những người vào đây cách ly đều đã quen dần với nhịp sống nơi đây và càng trân quý những tình cảm của cán bộ, chiến sỹ, đội ngũ y tế với những việc làm thầm lặng.
Hiện tại, Khu cách ly Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên có khoảng 20 người phụ trách công việc gồm các y, bác sỹ và cán bộ, chiến sỹ cảnh sát của Trung đoàn. Hằng ngày, họ phải đảm nhận lượng công việc không hề nhỏ, từ canh gác vòng ngoài đảm bảo an ninh trật tự khu cách ly đến việc tiếp nhận, khai thác yếu tố dịch tễ để phân loại bệnh nhân; thăm khám sức khỏe, đo thân nhiệt cho mỗi bệnh nhân 2 lần/ngày; vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khu cách ly; tiếp nhận và phân phát thức ăn cho mọi người…
Có thể nói với cường độ công việc dày đặc trong khi nhân lực mỏng nên những người phụ trách công việc nơi đây không có giờ nghỉ, ngày nghỉ, cũng như giấc ngủ trọn vẹn. Tuy vậy, vì sức khỏe cộng đồng với mong muốn chung tay đẩy lùi dịch nên họ đã và đang nỗ lực cố gắng hết mình.
Bác sỹ Y Jim My ÊNuôl, phụ trách Khu cách ly Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên chia sẻ: “Trong kíp trực của chúng tôi có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng và chúng tôi sẽ chạy 2 tua. Tại đây sẽ chia thành 3 nhóm và mỗi nhóm có công việc khác nhau. Mặc bộ đồ thế này thực sự rất nóng và với cường độ làm việc như vậy thì làm cho sức đề kháng của chúng tôi giảm đi. Hiện tại chúng tôi đang cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ vì lợi ích chung.”
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc áp dụng biện pháp khai báo y tế và thực hiện cách ly đối với những người từ vùng dịch trở về là biện pháp hữu hiệu để tránh dịch bệnh lây lan. 14 ngày thực hiện cách ly sẽ không là dài nếu mỗi người dân nâng cao ý thức và tích cực hợp tác với ngành chức năng./.