Vỉa hè là để dành cho người đi bộ, nhưng tại các thành phố lớn như: Hà Nội và TP.HCM, vỉa hè đang bị lấn chiếm sử dụng vào mục đích khác. Nhân việc TP. HCM ra quân xử lý xe máy đi trên vỉa hè, người dân tại các khu đô thị lớn mong muốn chính quyền có những hành động kiên quyết để trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

vov_xe_di_len_via_he_fflp.jpg
Vỉa hè Hà Nội, TPHCM đang là chỗ đi lại của... xe máy? (Ảnh: Toàn Văn)
Tắc đường là leo lên vỉa hè
Hình ảnh thường gặp tại các khu đô thị lớn mỗi khi tắc đường là hàng đoàn xe máy leo lên vỉa hè. Hỏi anh Toàn Thắng (Đức Giang, Long Biên) khi anh đang đi xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Cừ sáng ngày 21/2 rằng anh có biết đi trên vỉa hè là vi phạm Luật Giao thông không? Anh Thắng cười nói: “Tôi biết là vi phạm nhưng đường đang tắc, công an còn phải lo giải tỏa ùn tắc chứ lấy đâu ra người xử phạt cả đoàn xe máy đi trên vỉa hè như thế này. Mà trước khi phạt xe máy đi trên vỉa hè, hãy phạt những ông đi ô tô lấn chiếm hết cả làn đường của xe máy đi đã”.
Vỉa hè đường Nguyễn Văn Cừ khá rộng nên cứ mỗi khi tắc đường là không ít người đi xe máy lại leo lên vỉa hè. Chị Lan Anh (nhà mặt đường Nguyễn Văn Cừ) than thở: “Vỉa hè rộng như thế này mà không dám cho con ra ngoài chơi, thậm chí người lớn đi bộ nhiều khi còn giật mình bởi xe máy đã đi trên vỉa hè còn bóp còi inh ỏi. Tôi chỉ mong cảnh sát giao thông xử phạt nghiêm người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè như Nghị định 46/2016/NĐ-CP để người dân biết sợ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ”.
Đi trên đường phố Hà Nội, nhất là khu vực nội thành dễ thấy vỉa hè ngang nhiên bị sử dụng vào mục đích để xe hay bán hàng, nhất là tại các khu vực đắc địa cho kinh doanh buôn bán. Ví như phố Nguyễn Đình Chiểu, vỉa hè đã hẹp còn bị chiếm dụng vào những mục đích khác nhau, không có chỗ cho người đi bộ. Gặp chị Thu Trang đang đi bộ dưới lòng đường Nguyễn Đình Chiểu, chị than phiền: “Biết là đi dưới lòng đường nguy hiểm nhưng cứ buổi trưa đi ăn là phải đi bộ dưới lòng đường. Vỉa hè đã nhỏ còn bị chiếm dụng làm nơi để xe, bán hàng, thậm chí nếu mình cố tình len lỏi đi bộ trên vỉa hè qua chỗ người bán hàng còn bị người ta nói này nói nọ”. Chị Lan, chủ một quán ăn trên phố Nguyễn Đình Chiểu cho rằng: “Đã xử lý người đi xe, kinh doanh buôn bán trên vỉa hè phải xử lý đồng loạt chứ chỗ làm chỗ không, người dân không phục. Thêm nữa thành phố phải bố trí nhiều bãi đỗ xe. Nên chăng mỗi tuyến phố, mỗi khu vực có một bãi đỗ xe thuận tiện cho người gửi xe, chứ chỉ biết xử phạt rồi kệ dân xoay xở thì chỉ một thời gian lại đâu vào đấy”.

Từ 1/8/2016, lái xe điều khiển xe máy đi trên vỉa hè bị xử phạt từ 200.000 - 400.000 VNĐ, lái xe ô tô đi trên vỉa hè bị xử phạt từ 1.000.000 - 1.200.000. (Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

Thành phố Hồ Chí Minh ra quân xử lý

Tại TP. HCM, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm là thực trạng bức xúc nhiều năm qua. Để đối phó với tình trạng đó, UBND phường Bến Nghé, quận 1 đã cho lắp các thanh barie trên vỉa hè ở một số tuyến đường như: Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm... để ngăn xe máy chạy lên. Ngoài ra, các lực lượng chức năng ở quận 1 còn ra quân xử lý tình trạng xe máy đi trên vỉa hè.

Lắp Barie trên vỉa hè chỉ là giải pháp tạm thời? (Ảnh: Tiền Phong)
Tối ngày 16/2, chỉ hơn 1 giờ tại chốt xử lý trên đường Nguyễn Du và góc giao lộ Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lực lượng chức năng đã lập 33 biên bản, trong đó có 3 biên bản xử lý chủ xe ô tô đậu đỗ không đúng quy định, 25 biên bản xử lý người điều khiển xe gắn máy đi trên vỉa hè. Ông Võ Nguyên Khanh - Chủ tịch UBND phường Bến Thành, quận 1 cho biết: “Để xử lý triệt để tình trạng người dân đi xe trên vỉa hè sẽ khó vì lực lượng chức năng còn mỏng, trong khi ý thức chấp hành giao thông của người dân chưa cao. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, rất cần đến sự giúp sức của truyền thông để tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân”.
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, nếu không có giải pháp khả thi, bền vững thì việc ra quân giải phóng vỉa hè chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Giải pháp như UBND phường Bến Nghé lắp barie để ngăn xe máy đi lên vỉa hè cũng chỉ là giải pháp tình thế, nói là ngăn xe máy nhưng vô hình chung cũng cản trở người đi bộ, nhất là trẻ em, người già, người khuyết tật… Theo ông Thắng, đã là vỉa hè, ưu tiên đầu tiên là để cho người đi bộ, nhưng cũng có thể tìm cách dung hòa lợi ích của những đối tượng có liên quan. Ví như có những tuyến phố vỉa hè hẹp thì nhất định phải dành cho người đi bộ, nhưng có những tuyến phố vỉa hè rộng có thể kết hợp vừa đi bộ vừa đỗ xe, nếu có thể thì cho cả kinh doanh”.

Gạt bỏ lợi ích nhóm
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đang có sự buông lỏng của chính quyền địa phương trong việc quản lý vỉa hè và có nhóm lợi ích trong đó. “Việc quản lý vỉa hè không khó nếu cơ quan chức năng thực sự vào cuộc”. Ông Liêm cho rằng, đi bộ trên vỉa hè là một nhu cầu thì đỗ xe cũng là một nhu cầu của người kinh doanh. Vì vậy cấm người ta đỗ xe thì phải tìm chỗ khác cho người ta đỗ, chứ không chỉ biết cấm.
Còn theo Trung tá, TS. Lê Huy Trí, Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông thì cần có biện pháp để thay đổi thói quen trong sinh hoạt của người dân, hướng tới mục tiêu vì lợi ích chung của cộng đồng.
“Phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt quy định sử dụng vỉa hè, bảo đảm TTATGT, trật tự đô thị, các quy định, quy ước về nếp sống văn minh đô thị. Phát động phong trào xây dựng văn hóa cộng đồng trong nhân dân; trong đó Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cán bộ công chức giữ vai trò đầu tàu, gương mẫu đồng thời hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân tham gia thực hiện” - Trung tá, TS. Lê Huy Trí nêu ý kiến./.