Khi tuyến đường Giải Phóng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông thì các tuyến đường kết nối như: Kim Đồng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Thanh Nghị, Trường Chinh, Đại La… cũng bị rơi vào tình trạng ùn ứ. Đâu là giải pháp để giải quyết tình trạng này?
Có chiều dài khoảng 3,3km, đường Giải Phóng - một đoạn đường trên Quốc lộ 1A, nằm trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, kết nối trung tâm thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Nam và ngược lại. Điểm đầu đường Giải Phóng kết nối với đường Lê Duẩn, Xã Đàn, Đại Cồ Việt. Điểm cuối đường Giải Phóng kết nối với đường vành đai 3 ra cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đoạn giữa, đường Giải Phóng kết nối với hàng chục con đường như: Nguyễn Văn Trỗi, Lê Thanh Nghị, Trường Chinh, Đại La, Kim Đồng, Trương Định, Nguyễn Hữu Thọ (đường vào bán đảo Linh Đàm)… Với chức năng kết nối với cao tốc và hàng chục đường phố, đường Giải Phóng là một trong những đoạn giao thông huyết mạch trên cửa ngõ phía Nam của thành phố Hà Nội.
Cách đây khoảng 10 năm, đường Giải Phóng rộng thênh thang, các phương tiện giao thông tham gia giao thông luôn thông suốt, thuận tiện. Thế nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh, đường Giải Phóng bỗng trở nên nhỏ bé, cung đường này liên tục xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm, bất chấp sự có mặt của các lực lượng chức năng tham gia điều tiết giao thông.
Ùn tắc giao thông ở các cung đường cửa ngõ phía nam Thủ đô đã trở thành chuyện thường ngày. Ảnh: P.V |
7h15’ ngày 23/10, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra tại nút giao đường Giải Phóng và đường vành đai 3 khi hàng nghìn phương tiện giao thông di chuyển từ nội thành ra và từ ngoại thành vào, đứng chờ trước đèn đỏ.
Cũng vào thời điểm này, tại ngã ba đường Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông khi hàng nghìn phương tiện giao thông chen chúc, di chuyển vào bán đảo Linh Đàm và ngược lại…
Tiếp tục di chuyển đến ngã ba Đuôi Cá, ga Giáp Bát, ngã ba Kim Đồng, phóng viên nhận thấy mật độ giao thông quá lớn nên xảy tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra theo cả hai chiều. Tại cổng Bệnh viện Bạch Mai cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông... 17h cùng ngày, cung đường này cũng xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại những vị trí giao thông trên.
Một chiến sĩ cảnh sát giao thông khẳng định với phóng viên, việc ùn tắc giao thông trên cung đường Kim Đồng, Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ, Đại Từ… đã trở thành “chuyện hằng ngày”. Lực lượng chức năng luôn phải căng mình để phân làn, hướng dẫn các phương tiện giao thông.
Vì đâu nên nỗi?
Không khó để lý giải nguyên nhân tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô hằng ngày rơi vào tình trạng ùn tắc giao thông. Khoảng 10 năm trở lại đây, lân cận đường Giải Phóng là những khu đô thị, tòa nhà chung cư như: Khu đô thị Linh Đàm; Khu đô thị Định Công; Tòa nhà Nam Đô; chung cư Xuân Mai… mọc lên, khiến mật độ dân số, phương tiện tham gia giao thông tăng lên nhanh chóng.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy song song với đường Giải Phóng, giao cắt với đường Nguyễn Văn Trỗi, Trường Chinh, Phương Mai, Đại Từ, Nguyễn Hữu Thọ..., tạo thành những điểm xung đột giao thông. Vào khung giờ cao điểm, tàu hỏa đi qua, hàng nghìn phương tiện giao thông ùn tắc tại những điểm giao này.
Tuyến đường Giải Phóng có quá nhiều tuyến đường kết nối, điểm xung đột giao thông chưa được xử lý. |
Còn tại cổng Bệnh viện Bạch Mai - nơi tập trung hàng chục chiếc xe taxi dàn hàng ngang, bủa vây cổng bệnh viện để đón trả khách, gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Tại đường Kim Đồng nối vào đường Giải Phóng, theo khảo sát của phóng viên, góp phần gây ùn tắc giao thông trên cung đường này là tình trạng xe khách chạy “rùa bò” trên phố Kim Đồng, đoạn đường trước cổng ga Giáp Bát, ngã ba Đuôi Cá... để bắt khách.
Ông Tưởng Đỗ Hiển, Đội phó Đội Thanh tra Giao thông quận Hoàng Mai cho biết: “Tuyến phố Kim Đồng có mật độ giao thông cao, luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông”. Ông Hiển phân tích, do tuyến đường quá nhỏ nên xe khách loại 30 - 45 chỗ khá vất vả khi quay đầu để di chuyển ra đường Giải Phóng. Những lúc xe khách quay đầu, vô hình chung lại tạo nên điểm xung đột giao thông, gây ùn tắc giao thông trên phố Kim Đồng.
Trên tuyến đường này, hằng ngày lực lượng thanh tra giao thông ngoài việc tham gia điều tiết, phân làn, hướng dẫn các phương tiện giao thông còn xử lý hàng nghìn trường hợp phương tiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Từ tháng 1 - 10/2017, Đội thanh tra giao thông Hoàng Mai đã xử phạt gần 1.500 trường hợp. Cũng theo ông Hiển, bên cạnh việc xử phạt lực lượng thanh tra giao thông cũng phối hợp với Công ty bến xe khách phía Nam tiến hành đình tài những trường hợp nhà xe cố tình vi phạm.
Thưởng 6 tỷ cho giải pháp chống tắc đường ở Hà Nội: Thêm một điểm tắc
Giải cứu như thế nào?
Để khắc phục, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ ùn tắc giao thông ở khu vực ra cửa ngõ phía Nam thành phố, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ GT-VT hai nhóm giải pháp chính là cải tạo mở rộng nút giao Pháp Vân và phân luồng từ xa.
Theo đó, nhóm 1 là bổ sung nhánh rẽ từ đường nhánh của nút giao kết nối với nhánh nối từ hướng cầu Thanh Trì - Quốc lộ 1, đường nhánh quay đầu dưới gầm cầu cạn để giảm luồng phương tiện rẽ trái trực tiếp về trung tâm thành phố, cải tạo vị trí điểm kết nối từ đường Vành đai 3 đi thấp vào đường Quốc lộ 1. Nhóm 2 là giải pháp phân luồng từ xa, bổ sung đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai, đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra Quốc lộ 1, đầu tư xây dựng một vị trí nhập vào đường cao tốc, bằng cách cải tạo đoạn đường nối Quốc lộ 1, từ vị trí sau cầu Văn Điển vào đường cao tốc…
Đánh giá về 2 cụm giải pháp này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội GT-VT Hà Nội cho biết: “2 nhóm giải pháp theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ là rất tốt. Những giải pháp này rất khoa học, kết nối giữa vành đai 2 và 3, mở rộng nút giao, làm thêm các tuyến đường mới… sẽ giải quyết được ùn tắc ở các nút giao phía Nam...”.
Tuy nhiên, theo ông Liên, đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi mật độ giao thông sẽ tăng lên rất lớn trong tương lai nên cần phải có những giải pháp cụ thể, tổng thể và lâu dài. Cũng theo ông Liên, nếu nhìn vào bản đồ giao thông Hà Nội thì chỉ có một đường ra duy nhất về phía Nam. Chính điều này khiến nút giao Pháp Vân thành đáy phễu, thành nút thắt cổ chai, phương tiện giao thông không thoát được nên đường Giải Phóng và những tuyến đường kết nối bị ùn tắc giao thông là điều dễ hiểu.
Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại khu vực bến xe phía Nam, đường Giải Phóng, Kim Đồng và nút giao Pháp Vân, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Hiệp hội Vận tải Việt Nam, việc quan trọng nhất là thanh tra giao thông, công an giao thông cần phải kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các xe đón trả khách ngoài bến bãi, xe dù, bến cóc... đồng thời mời chuyên gia tư vấn, các nhà chuyên môn vào cuộc tìm giải pháp cho vấn đề này.
Cũng theo ông Thanh, thành phố Hà Nội nên lắng nghe những ý kiến chuyên môn để từ đó có những phương án thích hợp nhất, xử lý việc ùn tắc giao thông xảy ra ở cửa ngõ phía Nam và tuyến đường Giải Phóng. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra giao thông, công an giao thông cần tăng cường độ kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc thì chắc chắn sẽ không có hiện tượng xe khách chạy “rùa bò” bắt khách, gây ùn tắc giao thông./.
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng do trời mưa to
TP. HCM chi hơn 1400 tỷ đồng mở rộng đường, giảm ùn tắc
Lý giải nguyên nhân ùn tắc trên đường Vành đai 3