Kể từ sau vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TP HCM vừa qua, tình trạng cư dân chung cư trên địa bàn Hà Nội căng băng rôn đỏ yêu cầu giải quyết những vướng mắc xung đột lợi ích giữa cư dân và chủ đầu tư, nhất là yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo hệ thống PCCC tại các tòa nhà khá gay gắt.

chung_cu_minh_khai_vov_iuyb.jpg
Lối vào thường xuyên có xe ô tô đỗ chắn và hàng rào của công trình chắn lối một đường để xe cứu hỏa tiếp cận khi có sự cố.

Cụ thể, người dân ở chung cư Thăng Long Garden  250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, lo lắng cho tính mạng của mình. Nhiều năm qua họ liên tục có đơn thư tố chủ đầu tư vô trách nhiệm trong việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn PCCC theo quy định của pháp luật. Chung cư này có 436 căn hộ với hơn 1.600 dân sinh sống.

Cư dân ở đây cho biết, từ khi bàn giao cho cư dân vào ở từ tháng 12/2014 đến nay thì Hệ thống PCCC chưa bao giờ hoạt động. Hệ thống báo cháy tòa nhà A2 tê liệt, vào năm 2015 tại tầng 15A đã xảy ra cháy nhưng hệ thống báo cháy không hoạt động. Các hệ thống quạt tăng áp và hút khói hành lang, một số thang thoát hiểm không có quạt tăng áp, một số đường ống để hút khói không kết nối; Không có đấu nối liên động giữa hệ thống thang máy, hệ thống phát thanh.

Cư dân khẳng định, từ khi về sinh sống chưa hề thấy hệ thống bơm cứu hỏa hoạt động. Ngoài ra, theo thiết kế có 2 đường dành cho xe chữa cháy tiếp cận tòa nhà khi xảy ra sự cố, nhưng thực tế hiện chỉ có 1 đường hoạt động, cửa còn lại bị bịt kín hàng rào quây tôn của công trình thi công, phía trước là các ki ốt bán quần áo chắn lối; tại tầng 1, một nhà trẻ biến hành lang thoát hiểm thành phòng giữ trẻ, tầng 2 A (tầng kỹ thuật) cho các đơn vị thuê hoạt động làm văn phòng, Spa, thiết kế may mặc…

Trao đổi  với PV sáng 19/4, bà Nguyễn Thị Hồng Hải, phòng P. 612, tòa nhà A2 cho biết, cách đây ít hôm đang rán cá trên nhà, tôi có việc chạy xuống sân quên không tắt bếp, chạy lên khói mù mịt khắp phòng nhưng hệ thống báo cháy không hề hoạt động.

Theo ghi nhận của PV, tại tòa nhà này tủ ghi nhận tín hiệu báo cháy bị lỗi, các jack cắm tháo rời ra. Nhân viên kỹ thuật giải thích do các tiếp điểm đầu dây trước đây không lắp, đường dây đấu không đồng bộ nên xảy ra báo cháy giả.

Ngoài ra tầng hầm, quạt gió không chạy nhân viên phải sử dụng quạt công nghiệp để thổi gió, họng nước mở van không có nước.

Mở van không có nước.

Tại Biên bản kiểm tra an toàn PCCC ngày 29/3/2018, do Phòng Cảnh sát PCCC số 1 thiết lập ghi rõ, tầng hầm bố trí nhiều phòng chức năng: phòng bảo vệ kho; Cửa buồng bơm và cửa buống máy hút khói tầng hầm chưa được lắp đặt cửa chống cháy; Tại các phòng kỹ thuật chưa lắp đặt cửa chống cháy; Cửa tầng hầm 1 lên mặt đất khu vực tòa nhà A3 bị khóa; Chưa có giải pháp chống cháy lan giữa tầng hầm 1 và tầng hầm 2.

Tại tầng 1,2A hai tòa nhà A2 và A3: tầng 1 được chủ đầu tư cho thuê làm văn phòng, siêu thị, khu vực kinh doanh, nhà trẻ… Tầng 2A được bố trí làm văn phòng, khu tập Gym… Khu vực hành lang phía đông và nhà trẻ tầng 1 đã ngăn chia tận dụng hành lang thoát nạn làm khu vực sử dụng riêng; khu vực tầng 2A, một số văn phòng đã lắp đặt trần treo làm mất tác dụng của hệ thống đầu báo cháy, chữa cháy tự động.

Tại trục kỹ thuật của các tầng chưa có giải pháp ngăn cháy lan theo chiều dọc.

Kiểm tra thử đầu báo cháy tại tầng hầm 1, tầng 1,2, hệ thống báo cháy tự động không hoạt động; hệ thống họng nước chữa cháy tầng 25 không ra nước.

Tại khu vực F2 của tòa nhà A2, hộp chữa cháy không có lăng, vòi trong hộp chữa cháy. Nhiều vòi mục nát thủng không có roăng cao su,

Hệ thống hút khói tầng hầm, test thử tại một số vị trí các miệng hút không đảm bảo công suất; Hệ thống tăng áp buồng thang hoạt động bình thường nhưng chưa chưa được liên động với hệ thống báo cháy tự động.

Tại thời điểm kiểm tra, máy bơm chữa cháy không hoạt động và không có nguồn điện ưu tiên phục vụ máy bơm chữa cháy.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các lỗi vi phạm trên trước 30/4/2018.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân việc khắc phục của chủ đầu tư rất chậm khiến cư dân không khỏi lo lắng, “Mấy bữa nay chủ đầu tư cũng cho người đến khảo sát “ngó nghiêng” không hiểu có thực hiện không hay chỉ trong lúc “nóng” như thế này thì “ngó” song đến lúc “nguội” lại chìm vì vấn đề này kéo dài mấy năm rồi” – Bà Nguyễn Thị Hồng Hải bức xúc chia sẻ.

Đường thoát hiểm tòa nhà biến thành phòng trông trẻ.

Cư dân cho biết, mặc dù đã có ban quản trị nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao biên bản nghiệm thu PCCC kèm theo biên bản kiểm tra.

Bà Hải cho biết: “Tòa nhà còn 5 lỗi phải sửa khắc phục, tuy nhiên chủ đầu tư chỉ báo cáo miệng là đã nghiệm thu đảm bảo. Đến nay chủ đầu tư cũng chưa có biên bản khắc phục 5 lỗi này. Theo tôi, chủ đầu tư muốn đẩy trách nhiệm vì để hoàn thành hệ thống PCCC thì tốn kém vài tỷ đồng (chủ đầu tư không muốn chi tiền, không muốn khắc phục) mà  tìm cách nào đấy đẩy sang cho ban quản trị bỏ tiền khắc phục. Chủ đầu tư cũng chỉ kiểm đếm các thiết bị rồi coi như đã bàn giao xong mà không đáp ứng yêu cầu vận hành chạy thử hệ thống từ phía ban quản trị”.

Mới đây, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội thông báo Kết luận 363 của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về công tác phòng cháy nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội

Thông báo nêu rõ, Chủ tịch UBND thành phố giao Cảnh sát PCCC Hà Nội chủ trì phối hợp với sở ngành liên quan kiểm tra các công trình còn tồn tại vi phạm quy định về PCCC; Phối hợp văn phòng UBND thành phố dự thảo thông báo nêu rõ tên của từng chủ đầu tư, tên công trình vi phạm, địa điểm xây dựng, nội dung tồn tại về PCCC, trách nhiệm của chủ đầu tư, nhiệm vụ của từng sở ngành, UBND các cấp và các đơn vị liên quan để thực hiện trình Phó chủ tịch thường trực TP Nguyễn Văn Sửu ký gửi 490 chủ đầu tư công trình và các sở ngành, UBND quận huyện, thị xã liên quan phối hiện thực hiện xong trong tháng 4 năm 2018. Cảnh sát PCCC thành phố phối hợp VP UBND thành phố tham mưu đề xuất Ban cán sự Đảng UBND TP báo cáo Ban thường vụ Thành ủy ban hành chỉ thị về tăng cường công tác PCCC để các ngành các cấp vào cuộc quyết liệt hơn trong thời gian tới./.