Trước tình hình tai nạn giao thông liên tục gia tăng, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục mở các đợt cao điểm huy động tối đa lực lượng, tập trung các giải pháp nhằm phòng ngừa tai nạn, ùn tắc giao thông và đua xe trái phép trên các tuyến trọng điểm của thành phố ngay sau tết Nguyên đán kết thúc. 

Riêng quý 1 năm 2018, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 206 người chết, 60 người bị thương, tăng 38 vụ và 53 người chết… Đây là những thách thức lớn đối với lực lượng Công an nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông thành phố nói riêng trong việc thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông năm 2018.

Bên cạnh tình trạng tai nạn giao thông gia tăng, công an thành phố và những đơn vị chức năng vẫn đang triển khai những giải pháp hiệu quả hơn để xử lý 10 điểm đen về ùn tắc giao thông nghiêm trọng đặc biệt là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và Khu vực Cảng Cát Lái. Hiện tình hình giao thông trên địa bàn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

vov_20180310_164744_dbqh.jpg
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Để tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu xử lý vấn đề này trong thời gian tới, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Đợt này chúng tôi sẽ đặt nặng vai trò trách nhiệm của từng lực lượng thực thi công vụ từ cảnh sát giao thông, cảnh sát phản ứng nhanh, cơ động đến công an quận huyện và sẽ có những giải pháp đồng bộ đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa phòng các quận huyện chặt chẽ hơn trong việc bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát trong thời gian tới".  

Được biết, phần lớn số vụ tai nạn liên quan đến người điều khiển xe máy có sử dụng bia rượu và tập trung ở 3 quận huyện vùng ven, như: Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi và 2 quận trung tâm là Quận 1 và Quận 3. Hơn 90% vụ tai nạn liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông, nhiều vụ tai nạn xảy ra khi người điều khiển phương tiện uống rượu bia, đi vào làn ô tô, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm… 

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh nói: "Mặc dù tỷ lệ 10% số vụ còn lại nguyên nhân do hạ tầng, do tổ chức giao thông nhưng không thể đổ lỗi do hạ tầng giao thông như thế thì muốn chạy sao thì chạy dẫn đến tai nạn vì đây là an toàn của chính bản thân mình. Vấn đề là suy nghĩ và là hành động để làm sao mỗi người chúng ta khi tham gia giao thông phải chấp hành một cách tự giác".    

Tai nạn giao thông là nỗi đau của mọi người, mọi nhà; tính mạng con người là trên hết. Để kéo giảm tai nạn giao thông, rất cần sự chung tay của người dân và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả các cấp chính quyền. Hy vọng với sự quyết tâm của các đơn vị chức năng trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới./.