Vụ việc Công ty TNHH Phúc Minh đốt than gây ô nhiễm môi trường ở huyện Chư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đang được dư luận quan tâm. Đáng chú ý, với kết quả thử nghiệm không khí trong một thời điểm nhất định, công ty này xem như đã đạt tiêu chuẩn để tiếp tục xả thải ra môi trường. Vậy để đánh giá chính xác về chất lượng môi trường ở đây, cần phải làm gì?
Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Tây Nguyên phỏng vấn ông Y Knin H’Đơk, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk về vấn đề này.
Ông Y Knin H’Đơk, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk trả lời phỏng vấn VOV |
PV: Thưa ông, tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra rất nhiều nơi ở tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là xung quanh các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh. Vậy cơ quan chức năng địa phương đánh giá thực trạng này như thế nào?
Ông Y Knin H’Đơk: Có thể thấy vấn đề môi trường đang là chủ đề nóng trên các báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Đối với tỉnh Đắk Lắk, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động với quy mô vừa và nhỏ. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều tổ chức triển khai công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 94 cơ sở và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử phạt 16 đơn vị với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.
PV: Tại một số nhà máy, khu vực sản xuất, điển hình như Công ty TNHH Phúc Minh đốt than gây ô nhiễm môi trường ở xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M’Gar thì đã được chính quyền và ngành chức năng xử lý như thế nào thưa ông?
Ông Y Knin H’Đơk: Đối với hoạt động của Xưởng sản xuất than củi của Công ty Phúc Minh thì UBND tỉnh đã có văn bản giao UBND huyện Cư M’gar kiểm tra hoạt động, xác minh các nội dung phản ánh của báo đài và người dân, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư M’gar đã phối hợp với UBND xã Cư Đliê M’nông tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động. UBND huyện Cư M’gar đã có báo cáo về hoạt động của Công ty Phúc Minh. Qua đó đã xác định rõ Công ty TNHH Phúc Minh chỉ được phép hoạt động đến tháng 10/2018; trong thời gian hoạt động đơn vị phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
UBND huyện Cư M’gar đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục theo dõi, giám sát công tác kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường của cơ sở; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Phiếu kết quả thử nghiệm này được xem như “bùa hộ mệnh” để Công ty Phúc Minh tiếp tục xả thải khói bụi ra môi trường |
PV: Theo Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường đã có kết luận hầu hết các chỉ tiêu về môi trường tại khu vực sản xuất của Công ty Phúc Minh đều dưới mức cho phép. Thưa ông, đó có phải là lý do để công ty này tiếp tục nhả khói bụi, ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh?
Ông Y Knin H’Đơk: Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường đã có kiểm tra và kết quả là đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh Xưởng sản xuất than củi của Công ty Phúc Minh tại thời điểm quan trắc, không phải là số liệu đo đạc, giám sát các thông số môi trường đối với quá trình hoạt động của cơ sở. Để đánh giá chính xác chất lượng môi trường tại khu vực cơ sở sản xuất này thì cần thực hiện quan trắc, giám sát môi trường liên tục và có sự giám sát của các cơ quan chức năng của địa phương. Qua đó, cần đánh giá hoạt động phát thải khí thải công nghiệp có chứa bụi và các chất vô cơ vào môi trường không khí.
Như vậy, ngoài việc quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh, cần thực hiện đo đạc nồng độ của bụi và các chất vô cơ trong khí thải công nghiệp. Nếu các thông số này đảm bảo giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 19:2009/BTNMT thì mới được phép xả thải ra môi trường.
PV: Thưa ông, không chỉ “điểm nóng” ở huyện Cư M’Gar, mà tình trạng đốt than gây ô nhiễm môi trường còn xảy ra nhiều nơi ở tỉnh Đắk Lắk. Hoạt động này có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình phá rừng ở Đăk Lắk, biến gỗ thành than. Theo ông, để giải quyết căn cơ vấn đề này, cần có giải pháp gì?
Ông Y Knin H’Đơk: Theo tôi, để để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp. Đối với các lò đốt than hoạt động trái phép các cơ quan ban, ngành địa phương trực tiếp quản lý cần phải có biện pháp giải quyết dứt điểm. Đối với các lò than được cấp phép hoạt động, cần rà soát, kiểm tra, nếu địa điểm chưa hợp lý cần phải di rời đến nơi phù hợp. Đặc biệt cần quản lý nguồn gốc nguyên liệu đầu vào sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hợp pháp. Các địa phương cần chủ động kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của cơ sở đồng thời có biện pháp khắc phục khi có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!/.
Sớm hoàn thành dứt điểm chi trả bồi thường sự cố môi trường biển
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu sớm khắc phục sự cố môi trường
50 lò than hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường ở Đắk Lắk
Người dân Hà Tĩnh nhận tiền đền bù sự cố môi trường đợt 2