Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa được giao nhiệm vụ hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang. Thế nhưng hiện nay, công trình xử lý ô nhiễm môi trường đã bị sóng cuốn trôi, gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp khu dân cư.  

dn5_vov_krxg.jpg
Đường đi, khu dân cư bị sạt lở.

Năm 2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa giao Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh thực hiện nhiệm vụ xử lý môi trường tại đoạn sông chạy qua thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang.

Đây là đoạn sông chạy qua khu dân cư trước khi đổ ra biển. Từ lâu, khúc sông này trở thành chỗ chứa rác và nước thải của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản trong khu vực nên bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Kinh phí xử lý môi trường hơn 1,8 tỷ đồng, trích nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

Trong các hạng mục của dự án có bãi chứa và đường thu gom rác thải. Tháng 11/2016, chủ đầu tư xây dựng tuyến đường tạm thu gom rác dài 150m, rộng 2m, sử dụng cống bi đúc sẵn bằng bê tông, lấp đất bề mặt tạo lối đi dọc bờ sông. 

Thế nhưng chỉ sau 1 tháng thi công, công trình đã xảy ra sự cố. Lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về chảy xiết, triều cường mạnh, cuốn trôi tuyến đường tạm thu gom rác. Từ đó đến nay, việc thi công phải tạm dừng, công trình chỉ còn sót lại những cống bi ngổn ngang xếp chồng lên nhau. Còn sông thì bị sạt lở, xâm thực cả vào đường đi, đất vườn của các hộ dân.

Ông Lê Văn Chương, ở thôn Văn Đăng lo lắng: "Từ ngày dự án ra làm móc cái cống lên hết, lên làm giống như trò đùa vậy. Sóng ở ngoài đánh vô, chỉ cần hai tiếng đồng hồ nó đánh mà mấy trăm cái chỉ còn mấy cái. Ở xã đem xuống 1 ngàn bao cát mà sóng đánh 2 tiếng đồng hồ bay hết. Sợ nó sẽ vô cái nhà này".

Con sông chạy qua thôn Văn Đăng chỉ là một con sông nhỏ, ngắn, đổ thẳng ra biển, bình thường rất hiền hòa nhưng mỗi mùa mưa lũ, kết hợp triều cường nó trở nên hung dữ. Khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xử lý môi trường, chủ đầu tư chỉ gia cố bờ sông bằng cống bi đặt chồng lên nhau, phía trong đổ cát.

Cống bi xếp chồng lên nhau nên dễ dàng bị sóng biển đánh trôi.

UBND xã Vĩnh Lương đã kiến nghị cho đổ bê tông chân đường, mặt đường để tránh xói mòn, sạt lở nhưng không được chấp nhận. Sát bờ sông, đoạn giáp biển có khoảng 40 hộ dân sống. Mùa mưa lũ đến gần, người dân càng thêm lo lắng.

Bà Võ Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang (Khánh Hòa) cho rằng: “khu vực tiếp giáp với biển thì phải có sóng, đầu nguồn khi nó mưa thì có lũ tràn về nữa. Chắc chắn sóng sẽ đập thì cát sẽ trôi, gây sạt lở”.

Theo bà Huệ, “thiết kế đó không phù hợp, do họ đặt bi, không làm kịp trước mùa mưa này mà giống như đợt lũ vừa rồi nữa, khả năng bị sạt lở sẽ có. Bây giờ, địa phương cũng sợ và người dân họ cũng sợ”.

Ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa, cho biết, do công trình sử dụng nguồn vốn sự nghiệp môi trường nên không thể bố trí nguồn vốn này để xây dựng cơ bản như: làm bờ kè, đường đi, ma chỉ làm tạm đường thu gom, điểm tập kết rác thải để bà con khỏi ném rác xuống lòng sông.

“Nguồn vốn sự nghiệp môi trường không bố trí để xây dựng công trình cơ bản. Mục tiêu của mình không phải là đi chống lũ, mục tiêu là hỗ trợ xử lý môi trường. Phải có dự án xây dựng kè kiên cố cho bà con. Tạm thời, xử lý bằng cách dọc theo 150 m bờ đường làm tạm hôm trước, mình sẽ đóng cái cọc tre từ dưới nước lên, đổ rọ đá lên, mới tránh được sạt lở”, ông Sơn nói.

Theo ông Bùi Minh Sơn, trong khi chờ đợi bố trí kinh phí xây dựng bờ kè kiên cố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu nhà thầu, phải có giải pháp tạm thời về chống sạt lở trước mùa mưa bão năm nay./.