Càng gần đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch dường như càng hăng hái đăng tải thông tin chống phá, với nhiều thủ đoạn “không mới”, nhưng lại thu hút sự quan tâm của xã hội, đó chính là đăng tin giả, tin sai sự thật trên các mạng xã hội. Hàng loạt nhóm kín trên các mạng xã hội đã xuất hiện, mà khi muốn trở thành thành viên người sử dụng chỉ cần nhấn nút “Tham gia” một cách dễ dàng.
Mặc dù số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong năm 2020 số lượng tin giả, tin sai sự thật đã được xử lý, giảm tới 80% so với năm 2019, nhưng vẫn xuất hiện từng đợt thông tin giả mạo gắn liền với các sự kiện quan trọng của đất nước. Trước thực tế này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố khai trương Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam tại địa chỉ tingia.gov.vn.
Mạng xã hội đang tiếp tục xuất hiện nhiều hình ảnh, bài viết bịa đặt về việc Việt Nam công bố các kết quả phòng chống dịch bệnh Covid-19 không đúng sự thật. Hoặc khi các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được thực hiện, thì những trang mạng xã hội phản động như “Việt Tân”, “Chân trời mới media”,… đã cố tình xuyên tạc đó là “6.000 tinh binh diễn tập chống dân một cách quy mô”… Điều nguy hiểm hơn cả, là khi quá nhiều thông tin nhiễu loạn cùng với thông tin đúng sự thật được đăng tải trên mạng xã hội, thì không chỉ người sử dụng mạng xã hội mà ngay cả các cơ quan báo chí cũng có thể bị nhầm lẫn giữa tin thật - tin giả như nhận định của ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
"Báo chí cũng có nguy cơ là bị mạng xã hội ảnh hưởng và đôi khi còn bị dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng, thậm chí có mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tác động xấu đến xã hội. Việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng, thì rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp. Bên cạnh những biện pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai trong những năm qua như là việc chủ động tích cực phát hiện và xử lý các đối tượng phát tán tin giả, yêu cầu mạng xã hội cam kết thực hiện các giải pháp chống tin giả trên nền tảng của mình, cũng như nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội Internet,… thì việc thành lập một trung tâm tiếp nhận và xử lý tin giả cũng hết sức cần thiết", ông Phan Tâm cho hay.
Sau hàng loạt giải pháp xử lý tin giả, tin xấu độc như Thứ trưởng Phan Tâm vừa nêu, thì trong năm 2020 số lượng tin giả, tin xấu độc đã giảm được khoảng 80% so với năm 2019. Tuy nhiên, để không gian mạng không bị các thế lực phản động thù địch và tội phạm sử dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, thì giờ đây còn cần sự chung tay của cộng đồng sử dụng Internet. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu mà Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam đã xây dựng trên website tingia.gov.vn, có thể tiếp nhận phản ánh tin giả trực tuyến qua việc gửi phản ánh trên trang web này hoặc gọi điện thoại tới đầu số: 1800 8108.
Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - nêu rõ: "Cổng thông tin công bố tin giả có tên miền tingia.gov.vn và hotline 1800 8108 đón nhận một sứ mệnh lớn lao là lan tỏa sự thật. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện quy trình xử lý công việc, đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt nhất sứ mệnh lớn lao đó. Do vậy, chúng tôi rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất đồng bộ của các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, để thẩm định thông tin, công bố tin giả, lan tỏa sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch bình yên cho mọi người".
Tới đây, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam sẽ xây dựng ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động thông minh, để cộng đồng sử dụng mạng xã hội nói riêng, người dùng Internet nói chung có thể nhanh chóng phản ánh những thông tin giả, tin xấu độc hoặc tin sai sự thật. Trong trường hợp người sử dụng cá nhân nghi ngờ các thông tin trên mạng xã hội có thể phản ánh tới tingia.gov.vn, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp nhận, xử lý, sau đó sẽ công bố tin giả trên trang web này, để cộng đồng cùng nhận biết và phòng tránh tin giả./.