Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến bày tỏ tin tưởng như vậy khi trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Đại biểu Lê Như Tiến trả lời báo chí bên lề Quốc hội |
PV:Tình trạng quảng cáo thời gian qua khá lộn xộn. Vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là công dân, suy nghĩ của ông như thế nào?
Đại biểu Lê Như Tiến: Đúng là tình trạng quảng cáo đang khá lộn xộn. Điều đó biểu hiện ở các góc độ khác nhau, cả ở quảng cáo tấm lớn, băng rôn, phương tiện điện tử.., Quảng cáo sai sự thật, không đúng chất lượng và giá trị hàng hóa sản phẩm, thậm chí có những quảng cáo phản cảm, không đúng với thuần phong mỹ tục, giá trị đạo đức truyền thống của Việt Nam.
Ví dụ, người tiếp nhận quảng cáo tin theo quảng cáo đã có hành vi mua bán thuốc và thực phẩm chức năng, trở thành người tiêu dùng nhưng chất lượng và giá trị không đúng như quảng cáo. Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và dư luân xã hội đã lên tiếng.
PV: Vậy Dự thảo Luật Quảng cáo nếu được thông qua, có giải quyết được tình trạng trên không, thưa ông?
Đại biểu Lê Như Tiến: Dự thảo Luật Quảng cáo có quy định rất cụ thể, chế tài rõ ràng về những loại hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo. Các hành vi cấm không được quảng cáo cũng được quy định rõ như: Hành vi quảng cáo hàng hóa cấm như thuốc lá, rượu trên 15 độ, những sản phẩm có tính chất kích dục, thuốc phải bán theo đơn; những vấn đề ảnh hưởng đến nhận thức của thanh niên, thiếu niên; quảng cáo phương hại đến quốc gia dân tộc, có biểu hiện kỳ thị, ảnh hưởng đến tự do tín ngưỡng, có định kiến về giới, về người khuyết tật…
Về xử lý vi phạm, dự thảo luật cũng nêu rõ. Chính phủ có dự thảo nghị định kèm theo luật này về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
Nếu quảng cáo có sai sự thật hay có vi phạm khác sẽ bị xử phạt hành chính; nếu làm phương hại thì phải bồi thường, và ảnh hưởng nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các quy định lần này khá chặt chẽ và đầy đủ. Tôi tin điều đó sẽ làm cho hoạt động quảng cáo đi vào quỹ đạo hơn.
Vấn đề là khâu thực hiện. Sau khi Luật có hiệu lực, có Nghị định, thông tư hướng dẫn, điều quan trọng nhất là thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên. Trách nhiệm đó là của cơ quan quản lý nhà nước cũng như là trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa thông tin ở địa phương.
PV:Ý kiến của ông như thế nào về nững người có học hàm, học vị, có địa vị trong xã hội tham gia quảng cáo, ví dụ như về thực phẩm chức năng?
Đại biểu Lê Như Tiến: Trong dự thảo luật quy định không được dùng hình ảnh của cán bộ công chức, những người có vị trí để quảng cáo, gây thêm niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo và người tiêu dùng khi họ không đồng ý. Còn đương nhiên khi đồng ý thì họ phải chịu trách nhiệm trước quảng cáo của mình.
PV:Hiện nay một số tổ chức, cá nhân có biểu hiện lợi dụng vấn đề nhân đạo để lồng ghép vào quảng cáo, quan điểm của ông thế nào?
Đại biểu Lê Như Tiến: Đúng là có những quảng cáo quá sự thật, quá giá trị thực về thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng với mục đích tiêu thụ hàng hóa, kiếm lời.
Vấn đề nằm ở chỗ, người quảng cáo cũng như người phát hành quảng cáo phải đánh giá được tác động xã hội khi anh quảng cáo sai sự thật. Có những cái có tác động rât lớn.
Thực tế tôi thấy nhiều người tiếp nhận quảng cáo, vì tin theo quảng cáo mà mua sản phẩm, nhưng tiền mất tật mang. Mua sản phẩm về không những không chữa được bệnh, vừa mất tiền, mà còn có nguy cơ có phản ứng phụ khác nhưng trong quảng cáo không đề cập đến.
PV: Có ý kiến băn khoăn về việc giao Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch quản lý về hoạt động quảng cáo, ý kiến của ông thế nào?
Đại biểu Lê Như Tiến: Dự thảo Luật giao cho Chính phủ thống nhất quản lý. Các thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu và thống nhất giao cho Bộ VH-TT-DL quản lý nhà nước về quảng cáo. Vì sản phẩm quảng cáo chính là sản phẩm của văn hóa.
Trên cơ sở thống nhất của các thành viên chính phủ, đến thời điểm này, các ý kiến đại biểu Quốc hội cũng nghiêng về giao cho Bộ VH-TT-DL quản lý.
Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm một điều, tất cả các bộ ngành liên quan đều phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo và kết quả quảng cáo của mình.
Tôi lấy ví dụ Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc, sản phẩm thực phẩm chức năng, các thiết bị y tế… Rồi Bộ Công Thương cũng phải chịu trách nhiệm trước các quảng cáo liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp phải có trách nhiệm về các quảng cáo vật tư nông nghiệp đầu vào, đầu ra.
Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình phải chịu trách nhiệm, phối hợp với Bộ VH-TT-DL về các quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa của mình. Thêm nữa, các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm về các quảng cáo trên địa bàn.
PV: Vâng, xin cảm ơn đại biểu.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP HCM)đặt vấn đề: Quảng cáo là một ngành công nghiệp sáng tạo với một nguồn tài nguyên có giá trị gia tăng cao. Nhưng trong thời gian qua về quản lý nhà nước cũng như trong tinh thần dự thảo của luật lần này chưa thật sự chú trọng đến việc khai thác các giá trị gia tăng của lĩnh vực quảng cáo. Chúng ta chưa thu thập khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quảng cáo để phục vụ cho các việc, các chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội và thúc đẩy ngành quảng cáo phát triển. Tài nguyên quảng cáo là một hệ thống thông tin dữ liệu mà qua đó nhà nước nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường hàng hóa và dịch vụ, xu hướng tiêu dùng, tâm lý của người dân v.v.... Nếu chúng ta làm chủ nguồn tài nguyên quảng cáo này thì chúng ta có thêm được trong tay một vũ khí mềm để góp phần quan trọng trong công tác quản lý xã hội. Đại biểu cho rằng, việc khai thác sử dụng nguồn tài nguyên quảng cáo nước ta trong thời gian qua phần lớn do các tổ chức nước ngoài thực hiện nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh của họ, chưa thấy Nhà nước giao cho cơ quan nào thực hiện nhiệm vụ này./. |