Vài ba tuổi, mới chập chững biết đi, nhưng nhiều đứa trẻ là con em đồng bào các dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông... trên tuyến biên giới Lai Châu phải theo cha mẹ sang bên kia biên giới làm thuê. Để rồi khi "vượt biên" về nước giữa mùa dịch, cả gia đình được đưa về các khu cách ly trong điều kiện những đứa trẻ luôn khát sữa.

vov_khu_cach_ly_1_VGBS.jpg
Hiện khu cách ly số III, Trường Quân sự tỉnh Lai Châu có hơn 30 cháu nhỏ là con em cán bộ thuộc đối tượng tiếp xúc F2 và con em đồng bào các dân tộc về từ vùng dịch đang thực hiện nghĩa vụ cách ly

Tiếng khóc oe oe đói sữa phát ra từ ngôi nhà hai tầng trong khu cách ly số III, tại Trường Quân sự tỉnh Lai Châu lúc nửa đêm, làm thức giấc cả khu cách ly. Đó là tiếng khóc của cháu Chảo A Tấn, 13 tháng tuổi, ở xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ. Từ ngày theo cha mẹ về nước, được đưa vào khu cách ly này, cháu luôn đói sữa vì cha mẹ không có tiền mua.

Anh Chảo A Lâu, bố đẻ cháu Tấn cho biết, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, khi cháu mới được hơn 6 tháng tuổi thì cả gia đình sang bên kia biên giới làm thuê. Làm được mấy tháng thì chủ thuê bảo giờ dịch dã nhiều, chính quyền kiểm tra gắt gao nên hai vợ chồng lại gồng gánh, địu con về nước.

Nhiều cháu còn quá nhỏ và đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ cách ly cùng bố mẹ

Khi vừa bước chân về biên giới, cả nhà được lực lượng biên phòng giữ lại và sau đó đưa về khu cách ly nên cũng không mang theo được đồ đạc gì nhiều.

“Gần 10 ngày nay, mẹ cháu mất sữa, dù bộ đội cấp cháo nhưng cháu không ăn mà chỉ ăn ít cơm và uống ít sữa do bà con ở ngoài hỗ trợ đưa vào nên thường xuyên đói khóc”, anh Chảo A Lâu cho biết thêm.

Cũng như gia đình anh Lâu, gia đình chị Vũ Thị Quế, ở phường Đông Phong, thành phố Lai Châu có 4 người đang thực hiện nghĩa vụ cách ly tại Khu cách ly số III, Trường Quân sự tỉnh Lai Châu, gồm chị, hai đứa con nhỏ và mẹ chồng.

Đơn vị phục vụ mang cơm đến cho bà con đang trong khu cách ly

Nguyên nhân cả gia đình chị phải đi cách ly do chồng chị là điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, thuộc trường hợp tiếp xúc F1, điều trị trực tiếp ca bệnh 133.

Chị Vũ Thị Quế chia sẻ: Điều kiện ở khu cách ly tương đối là tốt, nhưng do không có nhiều phòng nên hiện 4 gia đình, 5 người lớn và 7 cháu nhỏ phải chung một phòng. Khó khăn nhất là do có đông cháu nhỏ quá, nên việc quản lý thực hiện việc cách ly an toàn cho các cháu cũng có nhiều hạn chế và phòng lúc nào cũng như một nhà trẻ.

Khu cách ly tập trung số III, Trường Quân sự tỉnh Lai Châu hiện có gần 300 người cách ly, được bố trí ở 7 dãy nhà, trong đó có gần 140 người thuộc đối tượng tiếp xúc với ca bệnh 133 còn lại là đối tượng cách ly đi về từ vùng dịch. Toàn khu cách ly hiện có hơn 30 cháu nhỏ dưới 15 tuổi và có có hơn 10 hộ gia đình có bố hoặc mẹ và các con đang thực hiện nhiệm vụ cách ly nên việc quản lý trẻ và bố trí khẩu phần ăn ở đây gặp nhiều khó khăn.

Bữa cơm đầy đủ thịt, trứng

Thiếu tá Nguyễn Văn Cơ, cán bộ quản lý khu cách ly số III, Trường Quân sự tỉnh Lai Châu cho biết: Toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị đã nhường lại cho người cách ly và hiện chỉ có hơn 10 cán bộ, chiến sỹ ở lại thực hiện nhiệm vụ quản lý người cách ly và lo hậu cần phục vụ hàng ngày.

Đối với các cháu nhỏ không thể ăn cơm đã được cán bộ, chiến sỹ bố trí các nồi cháo để phục vụ. Tuy nhiên, nhiều cháu quá nhỏ không có sữa uống nên việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các cháu đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy rất cần sự chung tay của các nhà hảo tâm./.