Thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đang khẩn trương kiên cố hóa các tuyến đường nông thôn. Ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền thì người dân trong tỉnh đã  đóng góp công của, đất đai để mở đường.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Nghiệp ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, Yên Bái hiến gần 300 m2 đất để xã làm con đường bê tông con đường bê tông qua thôn. Nhà ông Nghiệp vốn không nhiều đất, hơn nữa trên phần đất này lại đang có chuồng trại và tường rào mới xây. Thế nhưng cũng không cần nghĩ lâu, ông Nghiệp đã quyết định hiến đất chỉ sau vài ngày bàn bạc với vợ con. Cũng như ông Nghiệp, gần 20 hộ dân khác trong thôn cũng đã đi đến quyết định hiến đất. Vậy là con đường đất nhỏ vốn lầy lội nhanh chóng được xây mới theo đúng tiêu chuẩn đường nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thanh Nghiệp tâm sự: “Vợ chồng bàn bạc rồi bảo nhau tự nguyện hiến đất và đập bờ rào để thi công con đường được nhanh nhất. Bản thân tôi thì nhận thấy việc làm con đường mới là quan trọng nhất”.

Nhiều khi chặt một cành cây còn thấy tiếc, vậy mà khi nhà nước làm đường qua khu đất vườn nhà mình, hàng trăm hộ dân ở thôn Sơn Đông, Sơn Nam xã Mai Sơn, huyện Lục Yên đã không ngần ngại đốn bỏ một diện tích cây quế và cây lâm nghiệp, cây ăn quả, rồi phá vườn rau, lấp ao cá để nhường đất cho con đường đi qua. Rồi không ai bảo ai, tự giác đi san gạt, giao mặt bằng để thi công.

Ông Nông Quốc Khánh, một người dân trong thôn Sơn Đông, xã Mai Sơn nói:  “Bà con ở đây đều tình nguyện chém cau, chém cọ, chém vầu, chém quế… có thể mất trước mắt nhưng về lâu dài, con đường này để lại cho con cháu và thế hệ sau. Xuất phát từ suy nghĩ đó mà chúng tôi vận động nhau hy sinh những cái bé nhỏ đó”.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình trong số rất nhiều hộ gia đình tham gia hiến đất để làm đường nông thôn ở tỉnh Yên Bái. Sự vào cuộc của người dân đã khiến việc kiên cố hóa các con đường liên thôn bản của các địa phương trong tỉnh Yên Bái trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Ở thị xã Nghĩa Lộ hay thành phố Yên Bái tỷ lệ đường nông thôn được kiên cố hóa đã đạt trên 80%, ở các huyện hầu hết đã đạt khoảng 60%. Ở một số xã điểm về xây dựng nông thôn mới như ở Tân Đồng, Báo Đáp của huyện Trấn Yên, Thượng Bằng La của huyện Văn Chấn, hay Nghĩa An của thị xã Nghĩa Lộ, với sự hưởng ứng và góp sức của nhân dân, nhiều khả năng sẽ sớm hoàn thành kiên cố hóa 100% các tuyến đường thôn bản trong 1 năm tới.

Có thể nhận thấy, trong câu chuyện rất nhiều người dân ở tỉnh Yên Bái tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, ngoài tinh thần tự nguyện của nhân dân, phải kể đến các việc tuyên truyền và vận động có hiệu quả của chính quyền các địa phương.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên chia sẻ: “Không có gì bằng công tác tuyên truyền. Tuyên truyền để bà con hiểu được quyền lợi của mình, trách nhiệm của mình đối với việc làm đường giao thông nông thôn. Thứ hai là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, từ cấp xã đến huyện khi thực hiện công tác tuyên truyền phải sâu, phải sát”./.