Nhờ chuyển đổi số, mỗi chiếc điện thoại di động không chỉ là máy thanh toán khá phổ biến ở vùng cao Lào Cai, mà còn trở thành một cây ATM tiện dụng, giúp nhiều cán bộ, công chức, viên chức ở địa bàn khó khăn thoát cảnh phụ thuộc vào những điểm cố định ít ỏi để rút tiền lương trả qua tài khoản.
Ông Lù Tờ Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nấm Lư, huyện Mường Khương chia sẻ: “Trước kia đi rút tiền rất khó khăn, cây ATM ở cách xa, cán bộ nhà nước tranh thủ cuối tuần tiện đi chợ để rút nên thường tập trung rất đông, phải chờ đợi. Hiện nay, không phải dùng tiền mặt nữa, đã giải quyết được vấn đề này”.
Giáo dục và Đào tạo là một trong những lĩnh vực được Lào Cai ưu tiên chuyển đổi số. Nếu như trước kia, giáo viên đã thành thục việc soạn, trình bày giáo án điện tử thì nay đã bước sang giai đoạn dạy trực tuyến. Chỉ cần đáp ứng được hạ tầng công nghệ, một giáo viên dạy trực tuyến có thể mở rộng phạm vi và quy mô giảng dạy hơn nhiều so với trực tiếp. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm ứng phó với tình trạng khan hiếm nhân sự như hiện nay.
Ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: “Qua đợt Covid-19 vừa rồi chúng tôi cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong dạy trực tuyến. Ở những địa bàn thuận lợi có thể dạy trực tuyến ngay trong trường, ví dụ một trường có 10 lớp trong cùng một khối thì có thể 1 – 2 thầy cô đảm nhiệm dạy cho cả khối xen lẫn cả hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp”.
Hòa nhập vào nền kinh tế số, những lĩnh vực thế mạnh như du lịch, xuất nhập khẩu đang được Lào Cai ưu tiên chuyển đổi. Hiện, Lào Cai đang sở hữu một hệ sinh thái du lịch thông minh qua phiên bản web và ứng dụng di động, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu về các địa điểm vui chơi, ăn uống cũng như đặt phòng, đặt vé tham quan từ xa.
Lào Cai cũng đang hoàn tất các điều kiện để sớm triển khai cổng dịch vụ công tại cửa khẩu, rút ngắn quy trình thông quan hàng hóa từ 18 điểm “chạm” xuống chỉ còn 4 – 5 điểm; hướng tới minh bạch hóa thông tin, giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Ông Cao Bá Quý, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho hay: “Những hoạt động như thông quan, tiếp nhận hàng hóa và logictics nếu như được thực hiện trên nền tảng số, tự động hóa, hiện đại hóa thì sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với cách làm truyền thống, thủ công”.
Là một địa phương sở hữu nhiều sản phẩm đặc hữu, trong thời gian ngắn, Lào Cai đã hỗ trợ kỹ thuật, giúp hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã đưa trên 300 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; hơn 90% sản phẩm OCOP cũng đã góp mặt trên các sàn giao dịch trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc hợp tác xã nông sản Mạnh Hương, từ khi mở bán trực tuyến, hợp tác xã đã mở rộng được 80% doanh thu nhờ không gian mạng.
“Trên mạng điện tử, chúng ta có thể không biết nhau, nhưng có thể kết bạn và giao thương hàng hóa, Vì vậy, lượng khách hàng chúng tôi tiếp cận sẽ rộng hơn và đi được xa hơn”, ông Mạnh nói.
Theo ông Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ đột phá của Lào Cai trong nhiệm kỳ này. Từ nay đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu sẽ nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố ở mức khá về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số bản chất của nó không phải là một công việc mới mà là một cách làm mới để giải quyết các công việc đang diễn ra hàng ngày. Quan điểm của tỉnh Lào Cai là lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi số, chuyển đổi số là để giải quyết các vấn đề của xã hội để cho chúng ta có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, ông Vũ Hùng Dũng cho biết.
Thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng số, xóa trắng vùng lõm để 100% người dân tiếp cận được với internet, mạng di động tối ưu. Lào Cai cũng đang đẩy mạnh tập huấn cho các Tổ công nghệ số cộng đồng, vừa nhằm hỗ trợ kỹ năng số, vừa định hướng, nâng cao nhận thức cho người dân tại cơ sở, nhất là đồng bào vùng cao cách sử dụng hiệu quả internet và mạng xã hội trong vai trò những công dân số./.