Văn minh nhân loại luôn có nhu cầu cực kỳ to lớn về nhu cầu phát triển bền vững. Điều này được thể hiện bởi các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030. Mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, thành phố và vùng dân cư đều luôn mong muốn thế giới sẽ phải trở nên tốt đẹp hơn cho con người, xã hội, doanh nghiệp và chính quyền.
Trong đó, bên thụ hưởng lợi ích chính yếu nhất của công cuộc phát triển bền vững đó là con người – công dân – mọi thứ đều được tích hợp xung quanh con người và các nhu cầu của con người. Có thể khẳng định rằng, cho tới hiện nay thì nhân loại chưa có bộ công cụ nào tốt hơn là chuyển đổi số (CĐS) để hiện thực hóa những mục tiêu phồn thịnh lâu dài của mình. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
I. Bối cảnh chung
Một năm qua đó là đại dịch toàn cầu Covid-19 với những mối quan tâm sâu sắc của nhân loại về vaccine và phác đồ điều trị, song hành cùng với đó là những vấn đề địa chính trị, địa kinh tế vĩ mô khó giải quyết(3). Những điểm sáng tích cực của nhân loại trong năm qua là chương trình chinh phục không gian của SpaceX và Trung Quốc, tốc độ phát triển như vũ bão của các công nghệ đột phá mới nổi như trí tuệ nhân tạo - AI, chuỗi khối - blockchain, tiền tệ số quốc gia như một loại vàng mới và tiền tệ mã hóa, dữ liệu lớn - big data, kỹ nghệ robotics,… và nói chung thì đó là quá trình CĐS - là việc triển khai và ứng dụng hiệu quả các công nghệ số vào mọi mặt hoạt động sống của con người.
CĐS trong năm 2020 đang tăng tốc nhanh - thế giới đã bắt đầu đề cập nhiều về nó trong việc tiêu chuẩn hóa, chẳng hạn Nga là quốc gia đầu tiên và duy nhất đã đưa CĐS trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia của mình và Ngân hàng Trung ương nhiều nước đã chính thức phát hành tiền số ngân hàng trung ương CBDC (Central Bank Digital Currency) của mình vào hệ thống lưu thông.
Trong khi đại dịch Covid-19 như một cuộc đua lạnh lùng “khốc liệt sòng phẳng” khiến nhiều nước phải in tiền tối đa công suất để giải quyết tình trạng khủng hoảng khu vực, lĩnh vực ngành và WHO luôn thay đổi các khuyến nghị của mình thì nhiều giá trị từng là uy tín của thế giới cứ đang dần dần mai một, giới kinh doanh thì chỉ tính tới việc làm sao để có được tiền nhằm đối phó với các khó khăn không dự báo nổi và số đông công chúng thì lại không thể hiện rõ bản thân mình theo bất kể kiểu cách gì.
Bức tranh của thế giới đượm màu âu lo, nhiều người đang thiếu niềm tin vào các hệ thống hiện hữu, cho rằng cần phải xây dựng thứ gì đó hoàn toàn mới và người ta đang nói nhiều về The Great Reset (Đại Tái thiết) hay The New World Order (Trật tự Thế giới Mới) theo những nhận thức khác nhau.
Song song với một số hiếm hoi tiếng nói rụt rè về cách tiếp cận phối hợp và hợp tác của các nước khác nhau sau hơn một năm đại dịch Covid-19 thì vẫn là việc sụt giảm đáng kể những chỉ số tăng trưởng phúc lợi kinh tế trong bầu không khí có thể bất chợt bị giãn cách xã hội (social distancing) hoặc cách ly (quarantine) hay phong tỏa (lockdown) bất kể lúc nào ở nhiếu quốc gia.
Dù rất nhiều điểm sáng tích cực về CĐS toàn cầu, nhưng tựu trung thì vô số các chuyên gia và các nhà hoạch định chiến lược vẫn chỉ thuộc về hai nhóm chủ yếu khi giải quyết mỗi vấn đề nghiêm trọng được đặt ra cho định chế của mình: chiến lược gia và kỹ trị gia. Với nhóm đầu tiên thì hình thành nên vô số chiến lược mà tính khả thi thì khá yếu.
Với nhóm thứ hai thì việc ứng dụng blockchain và AI có phần “lộng ngôn” mà về thực chất chỉ là kho lưu trữ số và những ứng dụng trên nền tảng cũ. Vì vậy mà cỡ 80% các dự án CĐS theo ngành trên phạm vi toàn cầu là ném tiền qua cửa sổ, chỉ khoảng 20% mới thực sự trở thành “kỳ lân” - đồng nghĩa với việc chỉ 20% các khoản đầu tư toàn cầu vào CĐS mới đem lại hiệu quả và phúc lợi xã hội.
Chẳng hạn, cách tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực CBDC và fintech đang thuần túy là tạo ra “những chú ngựa chạy nhanh hơn” chứ chưa phải là mô hình định chế số đang dần dần hiển hiện để nhằm tạo ra những tập đoàn số thành công trong các lĩnh vực đời thực. Lối đi tối ưu thứ ba là CĐS mang tính chất hệ thống hiện vẫn còn chưa được chú trọng cần thiết, cho dù thành công của các dự án “kỳ lân” đã chứng tỏ rằng chỉ có CĐS mang tính chất hệ thống toàn vẹn mới làm nên kỳ tích thực thụ.
II. Chúng ta đang ở đâu với chuyển đổi số
Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã đạt được thành tựu rõ ràng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và an toàn đời sống người dân. Tuy nhiên, là một phần quan trọng của thế giới về địa chính trị và về quy mô của nền kinh tế thì Việt Nam không thể không chịu tác động trực tiếp và gián tiếp.
Song song, Nhà nước Việt Nam đã rất nhanh chóng kịp thời ban hành nhiều văn kiện quan trọng(4) về CMCN 4.0 và CĐS. Cũng trong năm vừa qua, khá nhiều địa phương và bộ ngành cũng đã ban hành Chương trình chuyển đổi số và các văn bản pháp quy về chính phủ điện tử (chính phủ số), đô thị thông minh, các công nghệ đột phá mới nổi,… của mình.
Năm 2020 là Năm chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, đặc biệt trong vòng nửa năm cuối, đã diễn ra hàng loạt hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học tầm cỡ khác nhau về CĐS trong hầu hết các khu vực như doanh nghiệp, y tế, văn hóa - giáo dục, xã hội và quản lý nhà nước. Nhiều sản phẩm công nghệ nội địa và quốc tế phục vụ cho công cuộc CĐS của Việt Nam đã được trình diễn, giới thiệu và triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Truyền thông và nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước đã hưởng ứng đưa tin và tổ chức nhiều sự kiện rộng rãi về CĐS.
III. Vận hội chuyển đổi số đất nước, dân tộc
1. Phát triển quốc gia số độc lập, tự chủ.
Nền văn minh nhân loại đã được tạo lập về bản chất là hệ thống xã hội - công nghệ(5) tự phát triển(6) mà Việt Nam như là một hệ thống văn minh tiểu vùng. Những yêu cầu và thách thức của thời đại mà không chỉ Việt Nam chúng ta phải đối phó là ở các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của LHQ. G7, G20 và những tổ chức quốc tế khác đã tỏ ra rằng họ hoàn toàn không đủ khả năng phối hợp hành động hiệu quả trong đại dịch Covid-19, cho thấy Việt Nam cần phải chủ động và sáng tạo tìm lối đi cho chính mình.
2. CĐS mang tính hệ thống.
Cũng như nhiều nước, trước mắt công cuộc CĐS của Việt Nam là những vấn đề mang tính chất hệ thống(7), đòi hỏi phải có cách tiếp cận mang tính chất hệ thống(8) để vượt qua. Các vấn đề sống còn của Việt Nam luôn rất phức tạp bởi tính chất liên ngành của chúng và sự đan xen giữa các khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, pháp lý, đạo đức và môi trường cực kỳ đa dạng.
Hiện nay, những hệ thống đang được sử dụng để giải quyết các vấn đề quan trọng này lại thường mới chỉ bao quát được phần nào đó tính chất phức tạp, tính chất liên ngành và tính chất nhiều khía cạnh mà thôi.
Lý tưởng nhất là các khía cạnh này và những cơ hội mới (về vật chất, công - kỹ nghệ, trí tuệ, tính toán,...) phải được đan xen và kết nối hỗ tương tương tự như giải phẫu của một sinh vật phức tạp. Hiện tại chỉ có mỗi biểu diễn số(9) là đủ khả năng gắn kết mọi đa dạng như vậy vào một hệ thống - cơ thể thống nhất và nhất quán. Bằng cách đó thì các hệ thống số(10) sẽ được tạo lập, được xây dựng dựa trên tính ưu việt vượt trội của biểu diễn số ở các thành tố của nó và các quan hệ giữa chúng.
Bởi vì mọi thứ đều trở nên liên quan hỗ tương, nhanh chóng, mong manh và phức tạp, cho nên con người sẽ không thể tự tay mình làm tất cả việc đó thành công được - máy móc cần phải làm việc này - nhanh chóng, khách quan, chính xác. Để làm cho gì đó trở nên thông minh thì đòi hỏi phải tái xây dựng nó như một hệ thống số. Và đây chính là CĐS và logic tiến hành CĐS phải tuân theo mong muốn của những người thụ hưởng (mà trước hết là công dân) và cách tiếp cận mang tính chất hệ thống (system approach).
3. Tạo ra hệ sinh thái song sinh số
Hiện nay, rất nhiều đối tượng vật chất và phi vật chất đều có thể có biểu diễn số của mình. Bởi vì một số biểu diễn khác nhau của một đối tượng có thể cùng tồn tại đồng thời, cần phải xác định rõ ở mỗi thời điểm xem biểu diễn nào là sơ cấp (primary, hay là nguồn gốc của sự thật), còn (những) biểu diễn nào là thứ cấp (secondary, phái sinh)(11). Digital-first - trước tiên sẽ phải là số.
Cần lưu ý rằng quan niệm về song sinh số (digital twin) thường mặc nhiên cho rằng biểu diễn số của một đối tượng nào đó luôn là thứ cấp - trong khi ngày càng có nhiều tài sản số (digital assets) luôn bắt đầu là số hoàn toàn (tức là biểu diễn số luôn là sơ cấp) - sẽ làm hạn chế nhiều khả năng của các hệ thống số và làm giảm hiệu quả của công cuộc CĐS, không phát huy được hết toàn bộ sức mạnh của nó khi chưa tính hết những ưu thế của nhiều công nghệ mới nổi.
Bởi vậy, để tạo ra hệ sinh thái song sinh số thì cần phải chú trọng tới việc sử dụng biểu diễn số ngay từ giai đoạn thiết kế kiến trúc hệ thống. Đặc điểm khác của các hệ thống số - đó là biểu diễn số của những mối quan hệ giữa các thành tố (elements) của hệ thống. Nó sẽ cho phép tạo ra những giá trị kinh tế từ việc hiểu biết sâu sắc các mối quan hệ giữa những đối tượng và những chủ thể của hệ thống, như một dạng “kinh tế các mối quan hệ” đặc trưng.
Như vậy là mọi thứ cần thiết cho biểu diễn số của các thành tố chính (như cho các sản phẩm và dịch vụ) thì cũng đều trở thành số(12). Hệ thống số cần phải là thông minh, bởi nếu khác đi thì “các thứ số” sẽ không thể chịu đựng được khi chỉ một sai sót nhỏ thì có thể là tai họa do nó được lan truyền cực nhanh với thiệt hại cực lớn - hệt như hiệu ứng domino.
Việc CĐS đất nước thành một hệ thống số lại càng phải đặc biệt quan tâm tới công tác thiết kế kiến trúc hệ thống với việc chú ý sử dụng biểu diễn số của nhiều đối tượng và quy trình khác nhau. Nếu muốn xây dựng hệ thống Smart Vietnam thì ngày hôm nay đó phải là digital. Vì thế CĐS rất quan trọng cho mọi hệ thống con hiện hữu. Đây là nhiệm vụ và là bài toán lớn, mang tính chất vĩ mô trong khuôn khổ quốc gia và thậm chí có tính toàn cầu.
Và việc CĐS đất nước cần phải được tiến hành mang tính chất hệ thống toàn diện - tức là phải có cơ sở vững chắc, công khai tường minh và có hiệu quả tốt nhất có thể. Tính chất phức hợp của CĐS như vậy là đã rõ: tầm vóc bao trùm, tốc độ, các lợi ích của phạm vi mở rộng còn chưa hình dung được hết. CĐS là việc không bao giờ ngưng nghỉ (CĐS có thể coi như là “phong cách sống”).
Những rủi ro của CĐS là cực lớn, ở phạm vi toàn Việt Nam thì công cuộc CĐS cần phải được tiến hành một cách bền vững đối với một lượng cực lớn những hệ thống vừa tương tự nhau vừa lại hết sức đặc thù. Nếu như mỗi nơi mà cứ tiến hành CĐS theo kiểu “biết gì làm nấy, có gì làm nấy” thì dường như đây là ý tưởng dở ngay từ đầu.
4. Khôn ngoan theo cách thông minh
Để hiểu rằng, các giải pháp (solutions) và nền tảng (platforms) số mới thì cần phải mang tính chất hệ thống, đầy đủ bao trùm và mang tính tập thể trong việc đạt được những mục tiêu đã đề ra. Chẳng hạn, giải pháp tốt trong một thành phố thông minh có thể sẽ được dễ dàng nhân bản tại các thành phố thông minh khác.
Tuy nhiên, mức độ cao của việc nhân bản (tức là sự dễ dàng phổ biến rộng rãi) là không thể có một cách tự tùy tiện được, cho dù phần mềm tự thân là khá dễ để sao chép (nhân bản). Cộng đồng chuyên gia thế giới ngày nay cho rằng mức độ nhân bản cao sẽ đạt được trong tiến trình thực thi những công tác kiến trúc hệ thống nhất định - mà điều này sẽ đạt được nhờ bí quyết cốt tủy của CĐS(13).
Để phát triển một kịch bản tái định hình thì nhất thiết phải có phương pháp luận tái xây dựng những hệ thống lớn. Phương pháp luận như vậy cần phải xác định được định dạng của thông tin(14); phải tạo ra được mô tả đầy đủ một cách chính thống về giải pháp mang tính chất hệ thống; sẽ phải mô tả rõ ràng về giải pháp hệ thống để tạo ra được sự thoải mái/tiện nghi cho não bộ con người, tức là một mô tả giải pháp hệ thống mà mọi chuyên gia sẽ đồng thuận và có thể hiểu được đối với đại đa số mọi người(15).
Phương pháp luận này sẽ tạo ra được mô tả khả thi của giải pháp hệ thống mà có thể được sử dụng để mô hình hóa những kịch bản tái định dạng khác nhau - đó chính là CĐS. Các quy luật của Thế giới số rất giản dị(16). Sẽ dễ biết rõ ai là người đi đầu, nhưng cũng có cơ hội để trở thành người khôn ngoan nhất.
5. Thời gian chuyển mình của chuyển đổi số
Phát triển phương pháp luận CĐS (đảm bảo tốt cho việc nhân bản); Nhận biết cảnh quan vấn đề (bao gồm phân chia thành các lĩnh vực chủ đề và phân tích những đặc thù và những mối quan hệ giữa chúng); Tạo ra kiến trúc cấp độ cao của giải pháp cho những lĩnh vực chủ đề (tùy thuộc vào các ưu tiên); Phát triển Bộ công cụ số cho CĐS; CĐS lĩnh vực chủ đề và phát triển Bộ công cụ số cho CĐS lĩnh vực chủ đề; Nội bộ hóa CĐS cho bộ ngành, thành phố, doanh nghiệp, khu vực,...;
Xây dựng phiên bản xuất khẩu của Bộ công cụ CĐS. Tất cả sẽ được tích hợp vào một kịch bản nhất định cho việc tái định hình, sẽ được xây dựng cuốn chiếu tức thì, chẳng hạn thời gian lập kế hoạch tác nghiệp là khoảng 6 - 12 tháng và thời gian hoàn chỉnh hoạch định chiến lược là 2 - 3 năm. Hiệu quả sẽ có trong vòng 1 - 2 năm và rõ nét hẳn trong vòng 3 - 5 năm tính từ lúc bắt đầu triển khai.
6. Huy động trí tuệ toàn dân
Giải pháp mang tính chất hệ thống có ba bên thụ hưởng chính (thứ tự xác định mức độ ưu tiên từ cao đến thấp): Công dân và Xã hội; Doanh nghiệp; Nhà nước. Dễ hiểu là nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều dự án từng chịu thất bại khi tiến hành CĐS. Đất nước đã có đội ngũ chuyên gia thực tiễn về CĐS, hầu như đã sẵn sàng để bắt đầu công việc này và cộng đồng chuyên gia quốc tế thì sẽ sẵn sàng hỗ trợ.
Tuy nhiên, trước tiên cần có được sự phê duyệt chính thức từ phía Nhà nước cho các công việc này. Việc thực thi CĐS phải được bắt đầu từ Ủy ban CĐS quốc gia (gồm Ngân hàng [kho trữ] CĐS, các Trung tâm kiến trúc CĐS khu vực. Khủng hoảng - đó là khởi đầu của nhu cầu về cái mới không thể trì hoãn. Những thay đổi lớn là không thể tránh khỏi. Ai được chuẩn bị tốt hơn để thực hiện chuyển đổi nhờ CĐS sẽ có lợi thế lớn. Cần phải khẩn trương khởi sự một cách có hệ thống việc CĐS.
7. Vươn mình ra thế giới
Tiến hành CĐS mang tính hệ thống cho phép đạt được những kết quả: Bên thụ hưởng chính (công dân và xã hội) - sự cải thiện đáng kể về mức sống; tạo ra nhanh chóng và hiệu quả một loạt hàng hóa và dịch vụ dựa trên CĐS nền kinh tế; Bên thụ hưởng thứ cấp (doanh nghiệp) - dễ dàng kinh doanh, tạo ra những lĩnh vực mới của nền kinh tế và tiếp cận các thị trường mới; Bên thụ hưởng thứ ba (chính quyền) - hiện thực hóa có hệ thống và có quản lý/kiểm soát đối với CĐS toàn diện quốc gia, lĩnh vực ngành, vùng lãnh thổ; tăng khả năng dự báo và giảm thiểu các rủi ro có liên quan đến việc CĐS.
Việc tiến hành có hệ thống công cuộc CĐS sẽ dạy cho chúng ta cách có thể nhanh chóng tạo ra những hệ thống số nhân bản được, kết hợp được với tính đa dạng và đồng nhất. Chuyên môn như vậy là sáng tân (innovation), độc đáo và có tiềm năng xuất khẩu lớn. Phạm vi hoạt động là rất rộng - thành phố, bệnh viện, trường học, cơ quan chính quyền, tập đoàn nhà nước, các ngành sản xuất khác nhau,...
Và điều này có nghĩa rằng, hiệu ứng của cách tiếp cận hệ thống sẽ vô cùng to lớn và kinh nghiệm tích lũy được có thể dễ dàng được nhân bản rộng ra thế giới. Đây là một cơ hội thực thụ để tạo ra bước đột phá để Việt Nam lọt vào tốp đầu trong cuộc đua CĐS. Để nhanh chóng đi ra và đạt tới cấp độ toàn cầu, Ủy ban CĐS quốc gia và các Trung tâm kiến trúc CĐS khu vực là cần thiết để tạo ra hiệu ứng hiệp đồng từ những yếu tố như: điều phối các dự án phát triển của đất nước với những đơn vị dẫn đầu và start-ups về CNTT; sử dụng kinh nghiệm tiêu chuẩn hóa quốc tế; phần mềm mã nguồn mở; hội nhập trong khuôn khổ hợp tác quốc tế.
Mọi năng lực cần thiết (tạo ra các hệ thống số, quản lý nhờ các quy trình, quản lý dự án, bảo mật, tạo mẫu nhanh,...) hiện dường như đều có sẵn. Việc khai phá nhanh chóng tiềm năng sáng tân của Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với hoạt động của các Trung tâm kiến trúc CĐS khu vực và các sáng kiến CĐS. Tức là, có một cơ hội thực thụ để thay đổi các quy tắc CĐS, chiếm vị trí dẫn đầu xứng đáng trong cuộc đua CĐS toàn cầu và vượt qua các bên thủ lĩnh hiện đã đang bắt đầu bị chậm lại.
8. Điểm sáng đáng chú ý
Trong nhiệm kỳ XII, Đảng ta đã ban hành các văn kiện quan trọng(17) về tiêu chuẩn chức danh, khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, bao gồm cả cán bộ cao cấp. Đây có thể coi là bước đột phá đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhằm có thể hiện thực hóa được việc CĐS công tác nhân sự lãnh đạo, quản lý đất nước. Từ đây, nếu có thể hoàn thiện và xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn chức danh, khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý như một hệ thống số là phần cực kỳ quan trọng và cốt lõi trong công cuộc CĐS con người.
Dấu hiệu tin cậy nhất của chân lý đó là sự giản dị và trong sáng. CĐS chính là cách làm mọi vấn đề trở nên đơn giản hơn, hệt như bài ca người lính mình vì mọi người, mọi người vì mình. Đó cũng là sự nghiệp chuyển đổi thành công vận mệnh quốc gia - dân tộc Việt Nam sang trang sử mới./.