- Triển lãm tranh ủng hộ nạn nhân da cam tại Australia
- Tẩy rửa dioxin tại sân bay Đà Nẵng
- Da cam – Nỗi đau dai dẳng suốt cuộc đời
- Nỗi đau thời hậu chiến: Những đứa trẻ tật nguyền
Nhân kỷ niệm 51 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961 – 2012) và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tối 10/8, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa tới chương trình.
Tại chương trình, khán giả được giao lưu với những tấm gương nạn nhân da cam tiêu biểu. Họ đã vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội.
Như cựu chiến binh Đỗ Hồng Cẩm, một người làm kinh tế giỏi với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, hay ý chí của anh Phan Thành Thương, bị dị tật cả hai tay nhưng tích cực học tập trở thành thầy giáo dạy vi tính…
Khán giả còn được giao lưu với Nhà giáo Nhân dân Phương Lựu, người đã dành toàn bộ số tiền 200 triệu đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng nạn nhân chất độc da cam; ông Len Aldis - Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt và ông Lee Jong Hyun - Giám đốc Đài Truyền hình MBC Nanum (Hàn Quốc), là những người có nhiều đóng góp trong vận động dư luận quốc tế và nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nói:“Chúng tôi mong muốn qua chương trình truyền bá nhân dân cả nước, thế giới biết chất độc da cam thế nào, vận động mọi người quan tâm đến các nạn nhân”.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi lời thăm hỏi tới các nạn nhân da cam. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Chiến tranh lùi xa, những mất mát vơi dần, nhưng có nỗi đau không vơi đi mà còn nhân lên gấp bội, đó là nỗi đau da cam. Đây không chỉ là nỗi đau của nhân dân Việt Nam mà là thảm họa, là nỗi đau của nhân dân thế giới.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi lương tri và cũng là trách nhiệm của tất cả mọi người. Chia sẻ với nỗi đau của các nạn nhân da cam đang phải gánh chịu.
Phó Chủ tịch nước kêu gọi tất cả các cấp, các ngành cùng đồng hành trong cuộc đấu tranh xoa dịu nỗi đau và đòi công lý cho các nạn nhân da cam và mong muốn, thời gian tới, các nạn nhân chất độc da cam sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vượt qua bệnh tật, thiếu thốn về vật chất.
Cũng tại chương trình giao lưu, Phó Chủ tịch nước đề nghị, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần đổi mới phương pháp làm việc, tăng cường kiểm tra kiểm soát các cấp hội để mọi sự ủng hộ đến được các nạn nhân nhanh nhất, đầy đủ nhất và không bị thất thoát.
Chia sẻ với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin về những khó khăn đang gặp phải, Phó Chủ tịch nước mong rằng, các nạn nhân sẽ cố gắng vươn lên. “Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân Việt Nam, nhân dân tiến bộ trên thế giới luôn luôn bên cạnh các bạn”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.
Hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, năm qua, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam hơn 100 tỷ đồng.
Để góp phần sẻ chia những mất mát, đau thương với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân”, Ban tổ chức chương trình kêu gọi các tổ chức, cá nhân nhắn tin theo cú pháp: DACAM gửi 1409, mỗi tin nhắn ủng hộ nạn nhân 18.000 đồng./.