Bất an, là tâm trạng chung của nhiều người dân sống tại các khu chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội, nhất là sau vụ cháy gây thiệt hại nặng nề tại chung cư cao cấp Carina Plaza, Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Vụ cháy làm 13 người chết, 39 người bị thương vào rạng sáng 23/3 đã phản ánh về những bất cập, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay.

chay10_rvih.jpg
Người dân hoảng loạn bỏ chảy khỏi chung cư Carina Plaza.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, trú tại tòa nhà C, khu tái định cư Đền Lừ, quận Hoàng Mai cho biết, người dân ở đây đang cậy nhờ vào sự may-rủi, bởi hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại tòa nhà gần như “tê liệt” hoàn toàn. Không có hệ thống báo cháy, không bình chữa cháy, không lối thoát nạn...

“Ở đây không có hệ thống cứu hỏa. Bây giờ chúng tôi rất sợ. Nhà xe thì hàng quán gửi vào nhiều thì khả năng cháy nổ cao. Bây giờ lỡ có vấn đề gì xảy ra thì chẳng biết giải quyết như thế nào. Chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần, nhiều nơi rồi nhưng chưa giải quyết được”, bà Bình nói.

Thời điểm trên tầng hầm lô B chung cư Carina, Phường 16 Quận 8 lại bốc khói dày đặc. Nhiều người dân sống tại các căn hộ 4 lô chung cư của Carina lại tiếp tục bị một phen khiếp vía.

Không chỉ tại các khu chung cư tái định cư, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy tại các công trình cao tầng khác như nhà thương mại, thương mại giá rẻ trên địa bàn Hà Nội cũng chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

“Qua vụ cháy chung cư trong thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng là một cư dân sống ở chung cư tại Hà Nội rất lo lắng, hoang mang. Đã sống ở chung cư rất lâu, nghe nói về phòng cháy chữa cháy chung cư, nhưng thật ra bản thân cũng không biết công tác phòng cháy chữa cháy có đảm bảo không”, ông Phạm Mạnh Cường, trú tại khu đô thị Xa La, Hà Đông cho hay.

Xe cứu hảo điều đến hiện trường để chữa cháy.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1.100 công trình nhà cao tầng, phần lớn trong số đó đã đưa vào sử dụng. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cao tầng đang là thách thức lớn đối với Hà Nội.

Các tòa nhà cao từ 20 đến 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc khắp ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… Nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy cũng chỉ có thể vươn tới tầng 14, 15 của tòa nhà.

Trong khi đó, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ như: cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… nơi có nơi không.

Sau vụ việc này, cần phải rà soát lại công tác PCCC ở các chung cư cao tầng ở Hà Nội và cả nước.

“Việc tổ chức phòng cháy chữa cháy đối với công trình nhà cao tầng gặp rất nhiều khó khăn. Khi xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy ở đây chủ yếu là hướng dẫn người dân ý thức tự phòng, thoát nạn, coi trọng việc giữ an toàn”, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 8 Hà Nội cho biết.

Từ thực tế công tác giám sát, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, phòng cháy chữa cháy không chỉ là ý thức của doanh nghiệp mà còn là ý thức của người dân, nhất là kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm còn hạn chế.

Thực tế, hầu hết người dân khi bỏ tiền tỷ cho các hợp đồng mua nhà đều đặt niềm tin tuyệt đối vào chủ đầu tư, thậm chí đặt cả sinh mạng của mình mà không hề hỏi hệ thống phòng cháy, chữa cháy tòa nhà đã được cấp phép, thẩm định hay chưa. Trong khi việc phối hợp, kiểm tra của ngành chức năng chưa thường xuyên, một số nơi còn tình trạng buông lỏng, nhất là thực trạng các công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng.

“Trong xử lý sai phạm tôi thấy có cái gì đó chưa thật sự quyết liệt. Liên quan đến các điều kiện phòng cháy chữa cháy của các chủ đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy của chúng ta hiện nay đang rất thiếu và yếu. Trụ nước thiếu, trụ có rồi thì không có nước”, ông Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến.

Rõ ràng, ngoài những tồn tại, thiếu kém về trang thiết bị, nỗi lo phòng cháy, chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội còn có yếu tố chủ quan, buông lỏng quản lý.

Trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, giám định an toàn phòng, chống cháy nổ ở đâu? Và câu hỏi, bao giờ, người dân trong các tòa nhà chung cư cao tầng không còn nỗi lo về phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa thể có câu trả lời thỏa đáng?./.

-Sau khi vụ cháy nghiêm trọng diễn ra tại chung cư Carina Plaza tại TP. Hồ Chí Minh làm 13 người chết (hiện tại đến chiều tối ngày 23 tháng 3 số người chết đã tăng lên 14 người) và rất nhiều người bị thương phải nhập viện điều trị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã yêu cầu rà soát các công trình cao tầng đã được đưa vào khai thác sử dụng để đảm bảo an toàn.-Trong công văn chiều 23/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao trách nhiệm cho Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì, phối hợp cùng với Cục công tác phía Nam, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng kiểm tra hiện trạng sự cố và phối hợp xác định nguyên nhân gây cháy, từ đó đề xuất hướng dẫn các giải pháp di dời người dân, tài sản khỏi công trình đảm bảo an toàn cho người và công trình cũng như các công trình lân cận để có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người dân.-Các đơn vị phối hợp với các Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh tổ chức rà soát các công trình tương tự đã được đưa vào khai thác sử dụng để yêu cầu các chủ đầu tư công trình có giải pháp khắc phục đảm bảo an toàn trong trường hợp cần thiết.-Công văn cũng nêu rõ, việc rà soát lại toàn bộ hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng cho các công trình xây dựng tương tự nhằm đảm bảo đầy đủ, phù hợp và hướng dẫn các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình áp dụng nhằm đảm bảo an toàn công trình.-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kịp thời ký Công điện số 359/CĐ - TTg, yêu cầu Bộ Công an, UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, diễn tập phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, đặc biệt là các khu chung cư cao tầng có đông dân cư sinh sống.-Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã lên tiếng chỉ đạo việc chấn chỉnh lại công tác PCCC tại các chung cư trên địa bàn Thành phố nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Trong lần thị sát hiện trường vụ cháy sáng 23 tháng 3, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu tất cả các chung cư trên địa bàn Thành phố phải rà soát lại vấn đề an toàn PCCC. “Các cơ quan chức năng cần xét duyệt kỹ các phương án PCCC của các chung cư, tập huấn các tình huống thoát hiểm cho người dân", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.