Những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 5 Trường Dân tộc nội trú, hệ thống trường, lớp được xây dựng kiên cố tại 17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số.

bthuan1_vov_nwja.jpg
Trường Mẫu giáo Phan Hòa mới được bàn giao.

Ngày khai giảng năm học mới 2018-2019 đang cận kề, ngành giáo dục Bình Thuận cùng với các địa phương trong tỉnh đang tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo cho các em học sinh khu vực này được học 2 buổi/ngày và bán trú.

Trong năm học này, hầu hết các địa phương trong tỉnh Bình Thuận đều có các công trình, hạng mục được xây mới, trong đó có vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Hàm Thuận Bắc là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Thuận. Đến nay, toàn huyện đã có 6 công trình, hạng mục đã hoàn thành và bàn giao, đảm bảo phục vụ năm học mới 2018-2019. Trong đó có 3 trường mẫu giáo và 3 trường tiểu học với số tiền 22 tỷ 113 triệu đồng.

Ngoài phòng học, phòng làm việc, các công trình xây mới đều có bếp ăn, cổng, tường rào và nhà vệ sinh. UBND huyện Hàm Thuận Bắc cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 770 bộ bàn ghế mới, trang bị cho các trường vùng dân tộc thiểu số trong năm học mới này.

Niềm vui của giáo viên Trường Mẫu giáo Phan Hòa trong năm học mới 2018-2019.

“Vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay tập trung cho Trường THCS Đông Giang xây mới 8 phòng học trên đó, còn Trường Dân tộc nội trú huyện ở dưới đây chỉ tu bổ bàn ghế, nhà ăn và nhà vệ sinh”, ông Dương Văn Đông – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết.

Ở huyện Hàm Thuận Nam có 9 công trình, huyện Bắc Bình có 6 công trình, các huyện thị còn lại có từ 2 đến 4 công trình.

Ngoài việc đầu tư xây mới cơ sở vật chất, ngành giáo dục Bình Thuận cũng đã bố trí nguồn vốn sự nghiệp cho các trường để mua sắm bổ sung trang thiết bị. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên nhiều trường đến thời điểm này chưa mua sắm đủ các trang thiết bị.

Cô giáo Nguyễn Nữ Thái Thuận – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phan Hòa cho biết, rất vui khi tiếp nhận ngôi trường mới khang trang với 6 phòng học mới, 2 phòng chức năng, 1 phòng hành chính quản trị, 1 bếp ăn, khu nhà vệ sinh, với số tiền đầu tư hơn 7 tỷ đồng để phục vụ cho năm học này.

“Bên cạnh đó trường cũng còn một số khó khăn như tường, thành xung quanh hiện vẫn chưa đảm bảo, lớp học mới chỉ có bàn ghế thôi, còn thiếu kệ, thiếu đồ dùng, đồ chơi theo Thông thư 02, còn đồ chơi ngoài trời nữa”, cô Thuận nói.

 Trường Mẫu giáo Phan Hòa.

Điều đáng nói cơ sở vật chất ở một số trường Dân tộc nội trú đã bị xuống cấp nhiều năm, nhất là bếp ăn và khu nội trú của các em học sinh, nhưng do không cân đối được nguồn kinh phí nên các trường chỉ biết tu sửa cho các em ăn ở tạm.

Về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Huyện cũng đã có định hướng sẽ thay mới hệ thống giường gổ củ đã mục nát bằng giường sắt, nhưng do chưa kịp thay trong năm học mới này nên nhà trường đã thuê người bên ngoài vào để tu sửa lại, đảm bảo chỗ ăn, chỗ ở cho các em".

Mặc dù còn không ít khó khăn, tuy nhiên, theo đánh giá thì trong năm học mới này, hệ thống trường lớp vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Bình Thuận đầu tư nâng cấp; đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá để nâng cao chất lượng dạy và học; đảm bảo tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường.

Các chính sách hỗ trợ học sinh là con em người đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo Quyết định số 05/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận cho học sinh từ Mẫu giáo đến Trung học cơ sở với tổng kinh phí hàng năm gần 10 tỷ đồng.

Riêng học sinh, sinh viên đang học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp được tỉnh hỗ trợ với tổng kinh phí hàng năm trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, Chương trình dạy chữ Chăm ở bậc tiểu học cho con em đồng bào Chăm trong tỉnh tiếp tục duy trì .

“Nói chung là cơ sở vật chất vùng dân tộc thiểu số đến nay cơ bản đáp ứng được việc học cho các em dân tộc, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Đặc biệt là bây giờ, Internet đã phủ tới các trường rồi, cơ sở vật chất, các thiết bị vùng đó được ưu tiên hơn”, ông Bùi Đình Thoa – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận cho biết.

Sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền địa phương cùng với nhiệt huyết của đội ngũ thầy cô giáo, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận sẽ tự tin bước vào năm học mới với những mục tiêu đã đề ra, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương./.