Theo ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC, hiện nay, VEC đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 4 tuyến cao tốc với chiều dài khoảng 490 Km. Trong đó, riêng tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai có chiều dài 245km là một hợp phần quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng, đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai).
Ông Đông cho biết VEC đã hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ hệ thống ETC tại tất cả các trạm thu phí tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình từ ngày 20/7, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây vào ngày 26/7, Đà Nẵng-Quảng Ngãi ngày 31/7 và cao tốc Nội Bài-Lào Cai bắt đầu từ ngày 1/8.
“Như vậy, đến nay VEC đã hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống ETC trên toàn bộ 4 tuyến cao tốc theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Việc đưa vào khai thác hệ thống ETC trên toàn tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian lưu thông, chi phí cho chủ phương tiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý, giám sát…,” ông Đông nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, VEC sẽ phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ, Cục Cảnh sát giao thông trong công tác phân làn, phân luồng điều tiết giao thông, giải quyết các sự cố phát sinh; xử lý các phương tiện không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ ETC khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc.
Ông Hồ Việt Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tasco đưa ra con số, riêng 4 tuyến cao tốc của VEC đã có tổng lưu lượng trên 100.000 lượt/ngày, chiếm tỷ trọng khoảng 50% lưu lượng cao tốc của cả nước.
Vượt qua khó khăn do tỷ lệ dán thẻ ETC không đồng đều giữa các khu vực, đặc biệt khu vực các tỉnh phía Nam rất thấp (dưới 65%), ông Hà thông tin thêm, 4 tuyến cao tốc đều đạt kết quả tích cực trong những ngày đầu vận hành, tỷ lệ ETC tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đã đạt mức 80% và 60%, và cải thiện từng ngày. Thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6-7 lần so với hình thức thu phí 1 dừng.
“Thành công triển khai thu phí tự động hoàn toàn từ 1/8/2022 tạo bước ngoặt lịch sử ngành ETC Việt Nam, động lực thúc đẩy giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ vào giao thông nội đô, cảng hàng không, cảng biển, thúc đẩy văn minh và tiến bộ xã hội,” ông Hà cho hay.
Để phát huy tối đa hiệu quả và những tiện ích to lớn mà hệ thống thu phí tự động không dừng mang lại, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và tổ chức dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản thu phí cho các chủ phương tiện đồng thời bố trí đầy đủ cán bộ kỹ thuật, và nhân sự vận hành, để kịp thời xử lý, khắc phục những vấn đề phát sinh trong giai đoạn đầu mới đưa hệ thống vào khai thác nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông…/.