yb3_pzmj.jpg
 Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, với tiến độ cứu chữa nhanh và thời tiết thuận lợi, ngày 13/10, đường sắt Hà Nội – Lào Cai qua ga Lâm Giang đã thông xe bước 1.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đới Sĩ Hưng cho biết, công tác khắc phục tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai tại điểm sạt lở đất nghiêm trọng tại ga Lâm Giang (Yên Bái) vào tối 9/10, với tiến độ liên tục cả ngày cả đêm, cộng với thời tiết thuận lợi, sáng nay (13/10) đã thông xe bước 1, cho tàu chạy qua với tốc độ 5km/h.

Liên quan đến sự cố sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực Ga Lâm Giang, tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai ngày 9/10/2017, trong 3 ngày qua (10, 11 và 12/10/2017), các đơn vị đường sắt đã tập trung hàng chục máy móc, thiết bị và hàng trăm lao động thực hiện cứu chữa 3 ca liên tục trong ngày để có thể thông đường Bộ và Đường sắt trong thời gian nhanh nhất.

Với quyết tâm của cán bộ nhân viên  ngành đường sắt cùng tiến độ cứu chữa khẩn trương, lúc 18 giờ chiều ngày 12/10 đã thông đường bộ và trước 4h sáng 13/10 sẽ thông đường sắt trên đường số 1 ga Lâm Giang với tốc độ 5km/h.

Ngành đường sắt cho biết, tính đến 16 giờ chiều ngày 12/10, khối lượng cứu chữa hoàn thành đã đạt 55%. Khu vực cứu chữa, khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo an toàn tuyệt đối mọi mặt.

Ngành ĐSVN đang nỗ lực để thông tàu tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Ảnh GT.

Tuy nhiên, do địa bàn thi công chật hẹp, khó khăn, không thể đưa thêm máy móc, thiết bị vào vị trí bị sạt lở để thi công. Mặt khác, kết quả khảo sát ngày 11 và 12/10 khu vực giáp núi đã sạt (hai phía Hà Nội và Lào Cai) đều có các vết nứt đã tụt sâu so với mặt đất tự nhiên của sườn núi từ 14cm đến 140cm, khe nứt rộng từ 15cm đến 30cm. Hai cung trượt này có nguy cơ sụt rất cao nếu mưa lớn, vì vậy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cử người tiếp tục theo dõi khu vực núi có hiện tượng sạt để kịp thời xử lý.

Theo ông Hưng, để có thể nhanh chóng thông tàu đạt mục tiêu tiến độ đề ra, Tổng công ty ĐSVN tiếp tục tổ chức thi công xúc chuyển đất đá sụt; Tổ chức cẩu, di chuyển các toa xe bị vùi lấp ra khỏi khu vực…Khi có mặt đường ga số 1 sẽ cho đặt tà vẹt, rải ray, vận chuyển đá, vào đá, nâng chèn lần 1 để trả đường thông tàu với tốc độ 5km/h qua đường ga số 1.

“Sau khi thông tàu đường số 1 sẽ tiếp tục tổ chức cứu chữa, khôi phục đường chính tuyến số 2 và đường ga số 3”, ông Hưng cho biết.

Đường sắt Bắc Nam qua Thanh Hóa thông tuyến trở lại

Cũng do mưa to những ngày qua, nhiều điểm trên các tuyến đường sắt bị ngập nặng. Đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc – Nam qua Thanh Hóa. Tin từ Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt cho biết, khoảng 10h30 sáng 11/10, đoạn đường sắt từ Km 140+300 đến Km 140+500 khu gian Đồng Giao – Bỉm Sơn, nước ngập trên đỉnh ray 200mm. Tàu khách Thống nhất SE5 và tàu hàng 2301 phải dừng chờ nước rút tại Đồng Giao và tàu SE36 Vinh – Hà Nội dừng chờ tại Bỉm Sơn. Tuy nhiên, do trời mưa to liên tục nên tiếp tục phát sinh điểm ngập mới tại khu gian Đò Lèn - Bỉm Sơn, nước cũng ngập trên đỉnh ray 200mm, phải phong tỏa không gian, dừng chạy tàu.

Đường sắt qua khu vực Thanh Hóa đã hết ngập, tuyến Thống Nhất chính thức thông tàu vào chiều 12/10.

Đến chiều ngày 12/10 đường sắt Thống Nhất qua Thanh Hóa đã thông tuyến sau nhiều ngày bị chia cắt do mưa, lũ.

Cụ thể, vào lúc 17h20 chiều ngày 12/10, tuyến đường sắt Thống Nhất qua Thanh Hóa đã chính thức thông tuyến. Trước đó, mưa lớn cũng đã gây ngập lụt nhiều vị trí tại khu vực đường sắt Thanh Hóa như: Đồng Giao, Bỉm Sơn, Đò Lèn trên tuyến đường sắt Thống Nhất nên phải dừng nhiều tàu để chờ đường và chuyển tải hành khách.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, do đường sắt khu vực Bỉm Sơn – Đò Lèn còn nhiều vị trí cần tiếp tục khắc phục hư hỏng về hạ tầng nên chỉ có thể chạy tàu qua rất chậm, có nhân viên đường sắt dẫn đường để đảm bảo an toàn.

“Mưa lũ gây ngập mấy ngày qua ảnh hưởng lớn đến hành trình chạy tàu. Trong thời gian chờ tiếp tục khắc phục đường, lịch trình chạy tàu sẽ ít nhiều ảnh hưởng. Chúng tôi mong hành khách thông cảm”, bà Hà nói./.