Dịch Covid-19 khiến lượng người lao động mất việc tăng cao
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã để lại nhiều hệ lụy và vẫn diễn biến khó lường. Điều này đã tác động tiêu cực đến người lao động và gây ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động.
Theo đánh giá của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện, hàng chục triệu lao động đang bị ảnh hưởng đến việc làm. Dự báo, những tháng cuối năm 2021, thị trường lao động có thể còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa.
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Thống kê, số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao chưa từng thấy, với 1,8 triệu người, tăng trên 700.000 người so với quý trước và tăng 620.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo đánh giá của cơ quan này, giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quý III đã khiến thị trường lao động trầm lắng và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, số lao động trong hai ngành này giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây. Lý do là phần lớn số lao động mất việc tại các tỉnh, thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.
Sự đối ngược này đã làm mất cân đối thị trường lao động cục bộ. Theo khảo sát sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, trong khoảng từ tháng 7 đến đầu tháng 10 vừa qua, có khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP.HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam.
Việc lao động trở về quê khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối, gây ra tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để “giữ chân” người lao động và khuyến khích họ quay trở lại làm việc?
Cần có chính sách đãi ngộ tốt để “giữ chân” người lao động
Chủ động chăm lo và điều chỉnh chính sách đãi ngộ trong và sau khi kiểm soát dịch Covid-19 được xem là giải pháp đúng đắn để "giữ chân" người lao động trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty CP Kết nối châu Âu, thiệt hại do dịch bệnh gây ra tác động rất lớn đến đời sống, kinh tế, tinh thần của người lao động trong nhiều tháng trở lại đây.
Sau giãn cách xã hội, doanh nghiệp của ông phải di chuyển đến địa điểm hoạt động mới tại Khu Công nghiệp Vĩnh Phúc. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhân công lao động của doanh nghiệp. Lượng lao động bị mất đi tới 70%. Hiện, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 300 lao động, nhưng tới thời điểm hiện tại mới chỉ tuyển dụng được 1/3.
Ông Thành chia sẻ, thời gian giãn cách xã hội, công việc bị gián đoạn, công nhân, người lao động phải tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống. Thấu hiểu điều đó, khi được hoạt động trở lại, Công ty đã nỗ lực xây dựng chính sách thật tốt, trong đó chú trọng đến vấn đề thu nhập của người lao động.
“Với những người lao động ở Hà Nội, nếu tiếp tục cống hiến, làm việc cho công ty thì sẽ được hỗ trợ việc đi lại, ăn ở, nghỉ tại chỗ và sẽ được trả lương gấp 1,5 lần so với trước đó. Với những lao động mới là người tại địa phương thì sẽ cố gắng xây dựng quỹ lương tốt hơn so với mặt bằng chung của các đơn vị kinh doanh. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì môi trường làm việc luôn sạch sẽ, ngăn nắp, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch là yếu tố mà công ty quan tâm hàng đầu”, ông Nguyễn Hữu Thành cho hay.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, để “níu chân”, hấp dẫn người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi người lao động quay trở về làm việc.
Khi họ đồng ý tiếp tục quay lại làm việc thì doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nên có động thái, ứng trước tiền tàu xe, bố trí chỗ ở để họ ổn định cuộc sống và yên tâm làm việc. Nếu phải tuyển dụng lao động thì cần tổ chức đào tạo cấp tốc để người lao động có tay nghề vững và bắt tay vào làm việc được ngay. Sau một thời gian công việc bị gián đoạn, cần có chương trình nâng cao trình độ tay nghề với những lao động cũ để từ đó nâng cao năng suất lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Ông Thịnh cũng đề xuất, cần có một mức lương thỏa đáng để động viên lao động làm việc thêm ca, thêm giờ nhằm hoàn thành mục tiêu công việc cuối năm. Bởi từ giờ đến cuối năm là thời điểm mà rất nhiều đơn hàng cần phải thực hiện và hoàn thiện.
Về giải pháp vĩ mô, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tăng tốc giải ngân gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỉ đồng để các doanh nghiệp trả lương cho công nhân. Bên cạnh đó, gói an sinh 26.000 tỷ đồng giao cho các địa phương cũng cần triển khai nhanh và sớm nhất có thể; Mọi thủ tục hỗ trợ các đối tượng phải nhanh gọn, đơn giản hóa, không kéo dài thời gian chi trả.
“Nếu triển khai nhanh các gói hỗ trợ sẽ phần nào giúp đời sống người dân, đặc biệt là công nhân tại các nhà máy, bớt khó khăn. Từ đó, họ có thêm động lực để bám trụ làm việc, giảm áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng lao động tại các địa phương đang bùng phát dịch”, ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Có cùng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Ban tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ - Báo Nhân dân cho rằng, trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động như hiện nay, tình trạng thiếu lao động đang là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm.
Để tăng cường kết nối giữ chân người lao động, biện pháp quan trọng nhất chính là thiện chí của doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất. Thiện chí này thể hiện ở 2 điểm, thứ nhất là cần có chính sách đãi ngộ tốt, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới tiền lương, phúc lợi của người lao động cũng như các chi phí đi lại, giúp đảm bảo cho người lao động giảm thiểu chi phí để quay trở lại lao động, cũng như có được nguồn kinh phí ổn định cuộc sống.
Thứ 2, một bộ phận người lao động chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 thì cần có chính sách đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là chính sách ưu tiên tiêm vaccine cũng như chính sách phân bổ sử dụng người lao động; khuyến khích họ thực hiện 5K, đảm bảo phòng, chống dịch và yên tâm sản xuất.
Dự báo về thị trường lao động những tháng cuối năm, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: “Sẽ có cả yếu tố khởi sắc và có cả yếu tố làm trì hoãn sự khởi sắc này. Sự khởi sắc ở chỗ, sau một thời gian dài giãn cách, người lao động đều có nhu cầu quay trở lại làm việc, đặc biệt là có thêm thu nhập để đón Tết. Đây là sự tăng cung rất bình thường và tự nhiên, phù hợp với các quy luật. Tuy nhiên, có một điểm hạn chế đó là người lao động e ngại quay trở lại thành phố làm việc do lo sợ dịch bệnh. Hơn nữa, thời điểm cuối năm, giáp Tết, việc về quê rồi quay trở lại làm việc cũng là điều mà người lao động phân vân, cân nhắc”.
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là kết thúc năm 2021, nếu các địa phương kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục được việc đứt gãy thị trường lao động, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Khi khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực chống dịch và bảo đảm các nhu cầu khác của đất nước. Để đạt được điều này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, luôn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch./.