Cách đây 50 năm, ngày mùng 2 và mùng 5/8/1964, Hải quân Nhân dân Việt Nam trong thế trận chiến tranh nhân dân đã ra quân trận đầu đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta, tiêu diệt 8 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. 

uss_maddox_dd731_cua_hai_qu_osam.jpg

Ngày 2/8/1964, tàu khu trục USS Maddox (ảnh) đã xâm nhập sâu vào vùng Vịnh Bắc Bộ và đụng độ với ba tàu phóng ngư lôi của hải quân miền Bắc Việt Nam. Biến cố này được biết đến như sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất.

Đây là chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam và của quân, dân miền Bắc trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta của đế quốc Mỹ. Chiến thắng này có ý nghĩa động viên to lớn với toàn quân, toàn dân, chung sức, chung lòng lập nên những chiến công hiển hách, đập tan âm mưu đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.

Đầu năm 1964, đế quốc Mỹ đã xây dựng một kịch bản chi tiết cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Cuối tháng 7/1964, tàu biệt kích ngụy bắn phá Hòn Mê (Thanh Hóa) và Hòn Ngư (Nghệ An), đồng thời Mỹ đưa tàu khu trục Maddox tiến sâu vào vịnh Bắc Bộ để khiêu khích, quấy phá nước ta.

 

Ông Nguyễn Xuân Bột (Ảnh:
Nguyên Nhung)

Nhớ lại trận đánh ngày 2/8/1964, ông Nguyễn Xuân Bột, nguyên thuyền trưởng tàu 333, phân đội trưởng phân đội 3, thuộc tiểu đoàn 135 làm nhiệm vụ đuổi tàu Maddox cho biết: “Để đánh tàu Maddox cần khoảng 12 tàu phóng lôi tấn công từ 4 phía, nhưng lực lượng của ta lúc đó chỉ có 3 tàu phóng lôi nhỏ với tổng cộng 6 quả ngư lôi, 3 khẩu pháo 14,5 ly và 39 chiến sỹ đã xông pha đánh lại tàu Maddox dài hơn 144 mét, rộng 12 mét với trang bị vũ khí hiện đại cùng hơn 270 sỹ quan và binh lính”.

Phân đội trưởng Bột lệnh cho 3 tàu, mỗi tàu tiếp cận các mạn khác nhau của tàu địch nhằm phân tán lực lượng, phân tán hỏa lực địch, tranh thủ tiếp cận gần mục tiêu để phóng ngư lôi. Tuy nhiên, trước vũ khí hiện đại của địch, cả 3 tàu đều bị địch bắn thủng, một số anh em bị thương. Trong lúc nguy nan, tất cả chiến sỹ vẫn kiên định, ở nguyên vị trí chờ lệnh. Vào thời khắc đó, một sáng kiến đã lóe lên trong đầu phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột.

Ông nhớ lại: “Khi xông vào gần như vậy tàu 339 là tàu bắn trước, phá ngư lôi. Còn tàu thứ 2 của đồng chí Tự là tàu 336 vào phóng ngư lôi, cũng bị chúng phá luôn ngư lôi của mình và đồng Tự đã hy sinh. Lúc đó pháo 14,5 ly chưa bắn được vì còn xa. Trước tình hình như vậy, tôi phải mở tốc độ 52 hải lý/giờ. Tôi chạy chừng 10 phút thì cách xa tàu Maddox hơn 3 hải lý rồi quay lại đánh. Chúng tôi quét pháo 14,5 ly trên mặt bong”.

Cựu thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bột năm nay đã 83 tuổi. Đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào khi ông kể: "Sáng kiến này đã gây hậu quả lớn đối với quân Mỹ mà phải đến 40 năm sau Mỹ mới công bố: pháo 14,5 ly của Hải quân Việt Nam quét trên mặt bong làm hư hỏng một số thiết bị và thủng 1 lỗ, bắn rơi một máy bay và một chiếc khác cũng bị trúng đạn”.

 

Ông Nguyễn Văn Luyện (Ảnh: 
Nguyên Nhung)

Còn đối với nguyên chiến sỹ rada trên tàu 333, thượng sỹ Nguyễn Văn Luyện, lúc đó mới ngoài đôi mươi, trận đánh đầu tiên ông tham gia với vai trò là pháo thủ. Sau khi xác định vị trí, hướng đi, tốc độ của tàu địch để báo cáo thuyền trưởng, ông đã vào vị trí pháo thủ, phối hợp cùng các xạ thủ khác bắn cháy máy bay của địch.

“Khi chúng tôi đánh tàu Maddox, trước đó tàu này đã săn đuổi tàu tuần tiễu của ta đánh rồi. Khi phát hiện chúng tôi, chúng bỏ tàu kia, tập trung hỏa lực bắn chúng tôi rồi bỏ chạy. Tàu chúng tôi vẫn chạy tốc độ nhanh, tiếp tục đánh đuổi. Tinh thần cán bộ chiến sỹ ai cũng phấn khởi bởi lần đầu tiên được làm nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị Hải quân”.

Sau sự kiện tàu Maddox phải bỏ chạy khỏi vịnh Bắc Bộ, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ chính thức tuyên bố trả đũa hải quân miền Bắc, dùng hải quân và không quân đánh phá các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam. Ông Lê Chừng khi đó là trung úy, thuyền trưởng tàu săn tàu ngầm S225, thuộc Tiểu đoàn săn ngầm trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân, vẫn nhớ như in trận chiến đấu với không quân Mỹ chiều 5/8/1964.

Ông kể: “Đúng 13h20’, 8 chiếc máy bay địch ào vào vịnh Bắc bộ bắn phá. Thuyền trưởng Lê Chừng lập tức cơ động tàu ra cửa vịnh để đánh trả. Trận đánh diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ, ông và các chiến sỹ trên tàu đã bắn rơi máy bay địch, lần đầu tiên bắt sống giặc lái Mỹ ở miền Bắc”.

 

Ông Lê Chừng (Ảnh: 
Nguyên Nhung)

Ông Lê Chừng nhớ lại: “Máy bay địch bâu lại nhiều lắm, cái bổ nhào, cái bay trên cao. Nhưng mình chọn đúng lúc chúng bổ xuống đánh mình để bắn lại nó. Chính lúc địch bổ nhào là lúc nguy hiểm nhất thì lúc đó mình mới bắn và mình đã bắn trúng máy bay. Khi đó máy bay bay ra vịnh Bái Tử Long mới rơi và bắt sống được giặc lái Alvarez”.

Chiến thắng của 50 năm trước đã khiến cho ngày 2 và 5/8/1964 trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng, tự hào trong lịch sử của Quân chủng Hải quân và lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Cho đến hôm nay, những kinh nghiệm trong chiến thắng trận đầu vẫn được Quân chủng Hải quân vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, nhất là trong giai đoạn xây dựng quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc nói riêng./.