Ngày 27/9, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh triển khai chiến dịch “100 ngày nói không với tai nạn lao động”. Mục tiêu của chiến dịch nhằm huy động sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp tại Việt Nam, cùng nhau cam kết đạt 100 ngày không xảy ra tai nạn lao động tại nơi sản xuất, bao gồm cả các chấn thương nhỏ và nguy cơ gây tai nạn.

chien_dich_da_sua_vwzo.jpg
Đại diện các nhà máy tham gia lễ phát động chiến dịch “100 ngày nói không với tai nạn lao động”. (Ảnh: Lao động)

Các hoạt động của chiến dịch “100 ngày nói không với tai nạn lao động” sẽ diễn ra đến hết tháng 12/2019. Khi tham gia vào chiến dịch này, các nhà máy sẽ được tham gia các khóa tập huấn bao gồm: Hoạt động trong lớp học và tham quan tư vấn tại nhà máy, các hoạt động nâng cao nhận thức giúp các doanh nghiệp và người lao động cập nhật các tiêu chuẩn an toàn để họ có thể tiếp tục duy trì môi trường làm việc không tai nạn sau khi chiến dịch kết thúc.

Theo số liệu năm 2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tai nạn lao động tại nơi làm việc đã khiến hơn 1.000 người tử vong và 8.200 người khác bị thương. Việc này không chỉ gây ra thương tật, mất mát cho người lao động và gia đình họ mà doanh nghiệp cũng chịu tổn thất lớn về mặt kinh tế. Tổ chức Lao động quốc tế ước tính những thiệt hại về bồi thường, giảm ngày công, sản xuất, đào tạo và cải tổ bị gián đoạn, cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe, chiếm khoảng 3,94% GDP hàng năm của thế giới

Các nghiên cứu của ILO cũng cho thấy, khi người lao động cảm thấy an toàn trong môi trường làm việc, năng suất lao động sẽ tăng. Các doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp liên tục cải tiến hệ thống sản xuất và hệ thống quản lý an toàn. Đầu tư vào sự an toàn của người lao động sẽ mang lại lợi ích rất lớn như sức khỏe và động lực của người lao động, tránh các chi phí liên quan đến tai nạn lao động cho các doanh nghiệp cũng như toàn xã hội./.